Xung quanh nghi vấn “lừa đảo xuất khẩu lao động đi Hàn Quốc” ở Nam Định

Thời gian qua, dư luận và một số cơ quan báo chí phản ánh hiện tượng một cán bộ thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) Nam Định có biểu hiện tiêu cực khi nhận tiền của người lao động và hứa hẹn “giúp” sớm được đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở Hàn Quốc. Trước nghi vấn có một “đường dây” lừa đảo nào đó, lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH Nam Định khẳng định: Sẽ kiên quyết điều tra, xác minh làm rõ. Đây không phải là một “đường dây” mà là việc làm của một cá nhân. Nếu thanh tra phát hiện đúng có tiêu cực, người đó sẽ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện nay, “đương sự” là bà Vũ Thị Bích Ngọc, nguyên cán bộ Trung tâm GTVL đã nghỉ hưu, song cơ quan vẫn giữ sổ bảo hiểm xã hội, chưa làm thủ tục hưu trí cho bà Ngọc để phục vụ công tác thanh tra.

·        Nghi vấn “6000 – 7000 đô”

Sự việc bắt đầu khi một lao động tên là Trần Phú Cường, ở Phường Hạ Long, thành phố Nam Định gọi điện đến Đài tiếng nói Việt Nam tố cáo bà Vũ Thị Bích Ngọc- cán bộ Trung tâm GTVL đã nhận 6000 USD (gồm 3 đợt) trong thời gian từ tháng 9/2010 đến tháng 6/2011 của gia đình Cường để “giúp làm thủ tục đi lao động Hàn Quốc nhanh nhất”. Tuy nhiên, sau đó nhiều lao động thi tiếng Hàn cùng Cường đã lần lượt xuất cảnh mà Cường vẫn chưa được gọi. Một thời gian nữa, qua các phương tiện thông tin đại chúng, Cường được biết XKLĐ thị trường Hàn Quốc dừng nhận lao động Việt Nam nên đã gọi điện đòi tiền bà Ngọc…

Trường hợp thứ 2 là Trần Mạnh Hồng, ở Xóm Kim, xã Mỹ Thắng, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Hồng tự học tiếng Hàn ở một trung tâm tại thành phố Nam Định, Hồng đã vượt qua kỳ thi tiếng Hàn ngày 7/10/2010  và đã làm hồ sơ đầy đủ theo thông báo của Trung tâm GTVL. Cũng có thông tin đến báo chí là bà Ngọc đã cầm của gia đình Hồng 7000 USD để “chạy” XKLĐ Hàn Quốc. Tuy nhiên, đây là một sự hiểu lầm của Hồng bởi sau khi thi đỗ tiếng Hàn, Hồng không chịu đi làm mà cứ lông bông ở nhà … chờ xuất cảnh (trước đó Hồng đã đi Nga mà không kiếm được tiền mang về, còn mang theo cả nợ nần). Bố Hồng sốt ruột mắng con: “Đi XKLĐ hết 7000 đô, tiền tao đã đóng rồi, mày không làm lấy đâu ra tiền trả nợ”. Vậy là Hồng tưởng bố mẹ đã bỏ tiền ra nên cũng “tố” bị mất tiền. Sau đó Hồng đã làm tường trình và khẳng định bố mẹ Hồng chưa nộp đồng nào cho ai và cũng “không lấy đâu da tiền mà nộp” (Hồng viết sai chính tả).

* Bất ngờ… giật mình

Sau khi nhận được thông tin cán bộ của Trung tâm cầm tiền của người lao động để “chạy” XKLĐ Hàn Quốc, cả ông Đỗ Thanh Sơn- Giám đốc Trung tâm GTVL và ông Nguyễn Văn Vinh- Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nam Định đều ngạc nhiên đến… giật mình. Đến các cán bộ của Sở LĐ-TB&XH đều sửng sốt không tin nổi. Có người còn nói: Chị Ngọc là người chậm chạp, đến đi còn… chậm, nói gì đến làm những việc như vậy.

Tuy nhiên, khi đã có thông tin tố cáo, không thể dựa vào những nhận định cảm tính để kết luận đúng hay sai. Ông Đỗ Thanh Sơn cho biết: Chúng tôi đã ngay lập tức yêu cầu chị Ngọc làm tường trình sự việc. Theo như tường trình của chị Ngọc thì gia đình chị Ngọc và gia đình Trần Phú Cường có quan hệ thông gia, và chị Ngọc cầm 6000 USD của gia đình Cường là có thật nhưng chỉ là vay mượn thông thường vì bố chị Ngọc bị tai biến mạch máu não và gãy cổ xương đùi nên cần tiền để chữa trị, việc vay 6000 USD của chị Hiển (mẹ Cường) 3 lần đều có giấy vay nợ và chị Ngọc cũng đã trả hết số tiền trên cho gia đình Cường vào ngày 18/9/2011 (Cường cũng đã có giấy xác nhận bà Ngọc đã trả hết tiền).

Cũng tại bản tường trình của mình, bà Ngọc cho biết vì Cường có nhu cầu đi XKLĐ Hàn Quốc, là cán bộ Trung tâm GTVL nên bà Ngọc cũng có tư vấn cho Cường một số thông tin liên quan đến việc đi lao động Hàn Quốc và động viên Cường không sốt ruột, yên tâm chờ đợi.

Ngoài việc yêu cầu bà Ngọc viết tường trình sự việc, ông Nguyễn Thanh Sơn đã quán triệt đến toàn bộ cán bộ, nhân viên của Trung tâm GTVL, cảnh báo những hệ lụy nếu ai đó có những hành vi không đúng với chức phận của mình. Và tất cả cán bộ Trung tâm đều viết cam kết không tham gia vào những việc như vậy.

Về việc bà Vũ Thị Bích  Ngọc chỉ là một cán bộ khai thác thông tin lao động thị trường trong nước nhưng lại đi “tư vấn” XKLĐ Hàn Quốc và bà Ngọc nắm được nhiều thông tin liên quan đến thị trường này, ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Những thông tin này đều có đầy đủ trên mạng của Trung tâm lao động ngoài nước, đó không phải là những thông tin bí mật, nếu có nhu cầu tìm hiểu thì ai cũng có thể biết được. Hơn nữa, theo chương trình EPS, Trung tâm chỉ tiếp nhận hồ sơ của lao động, còn việc lựa chọn ai thì do phía Hàn Quốc, không thể can thiệp được.

·        Nếu có tiêu cực, kiên quyết không bao che

Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Văn Vinh cho biết, ngay khi có thông tin, ông đã trực tiếp báo cáo với lãnh đạo UBND tỉnh và nhận được chỉ đạo phải kiên quyết điều tra và xử lý nghiêm nếu có tiêu cực. Trao đổi với phóng viên, ông Vinh cũng khẳng định quyết tâm của lãnh đạo sở: Chúng tôi không dung túng, bao che cho những hành vi tiêu cực.

Sẽ điều tra, xác minh làm rõ trách nhiệm. Ai liên quan phải chiu hoàn toàn trước pháp luật. Ai đó có biểu hiện dung túng, bao che sẽ xử lý cương quyết. Chúng tôi cũng cam kết bảo sẽ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, tiến trình làm rõ sự việc có phần chậm chạp vì bà Ngọc đến tuổi nghỉ hưu và không còn đi làm, việc liên hệ với bà Ngọc khó khăn vì bà Ngọc thường xuyên ở Hà Nội chăm bố ốm nằm viện, gọi điện thoại lúc nghe lúc không, kể cả khi lãnh đạo sở và phóng viên gọi điện thoại cũng không được. Về phía Trần Phú Cường cũng vậy, thường xuyên vắng nhà và không nghe điện thoại.

Tại báo cáo nhanh số 149 ngày 09/12/2011 gửi lãnh đạo UBND tỉnh, sở LĐ-TB&XH đã nêu rõ một số điểm đã xác minh, như việc bà Ngọc có cầm 6000 USD của gia đình Cường, tuy nhiên hai bên không đồng nhất về nội dung cầm tiền (bà Ngọc nói là vay tiền cho việc gia đình và đã trả đủ; Cường nói là cầm tiền để “chạy” XKLĐ Hàn Quốc). Thanh tra sở đã kết nối và sẽ tổ chức để gia đình Cường, bà Ngọc và những người liên quan đối chất để có cơ sở kết luận vụ việc. Hiện Cường đang làm việc tại Công ty Sông Hồng, để phục vụ việc thanh tra, sở đã đề nghị Công ty tạo điều kiện cho Cường nghỉ làm để tham gia đối chất với bà Ngọc.

Sau khi có thông tin đối chất và kết luận của thanh tra sở LĐ-TB&XH Nam Định, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

                                                                                       Thu Hằng (báo Lao động Xã hội)

Quy định về các khoản phải nộp của người lao động đi Hàn Quốc theo chương trình EPS:– Lệ phí kiểm tra tiếng Hàn nộp cho phía Hàn Quốc: 17 USD/người
– Chi phí phải nộp về Trung tâm Lao động ngoài nước theo quy định của Bộ LĐ-TB&XH (sau khi ký hợp đồng lao động): Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc phải nộp số tiền Việt Nam tương đương với 630 USD để trang trải các chi phí: Mua vé máy bay (350 USD), làm visa (50 USD), bồi dưỡng kiến thức cần thiết và xử lý hồ sơ (230 USD).
Khi xuất cảnh, người lao động phải mang theo khoảng 500 USD để mua bảo hiểm rủi ro và bảo hiểm hồi hương tại Hàn Quốc.

Sẽ nhanh chóng xử lý vụ việc

Ngày 9/12/2011, Sở Lao động-Thương binh & Xã hội đã có công văn số 1095/SLĐTBXH gửi Bộ LĐ-TB&XH và một số cơ quan báo chí báo cáo việc xử lý bước đầu vụ tiêu cực đưa LĐ đi làm việc tại Hàn quốc. Nội dung chính của công văn như sau:

Nam Định là tỉnh kinh tế phát triển chưa mạnh, lực lượng lao động tương đối dồi dào nhưng tay nghề thấp và còn dư thừa. Vấn đề giải quyết việc làm, nhất là đưa người đi xuất khẩu lao động nhằm nâng cao thu nhập và xóa đói giảm nghèo cho người lao động là một chủ trương lớn của Nhà nước ta, đã và đang được các cấp ủy, chính quyền trong Tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện và người dân rất tin tưởng.

Vì vậy nhận được thông tin bà Vũ Thị Bích Ngọc cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm Tỉnh Nam định có tiêu cực trong việc đưa lao động đi làm việc tại Hàn quốc; Sở Lao động TB&XH tỉnh Nam Định xác định đây là vụ việc hết sức nhạy cảm, ảnh hưởng đến chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về xuất khẩu lao động. Nhất là đối với Hàn Quốc một thị trường khá phù hợp với lao động Việt Nam, mang lại nguồn thu nhập tốt cho người lao động. Nên khi nắm được thông tin tập thể Lãnh đạo Sở đã tập trung lãnh đạo và cử một số cán bộ có kinh nghiệm để nghiên cứu, tìm hiểu và tiến hành các công tác nghiệp vụ nhằm nắm chắc thông tin, sớm làm rõ vụ việc, nếu đủ chứng cứ về cán bộ của ngành có tiêu cực, sẽ kiên quyết xử lý theo luật pháp; Trả lời Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí; Đồng thời báo cáo, tham mưu với cấp trên tăng cường chỉ đạo để sớm ổn định tình hình, tư tưởng cho nhân dân, nhất là người lao động đã đăng ký kiểm tra tiếng Hàn hiểu rõ điều kiện, quy trình dự tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc để họ an tâm chờ đợi, không nôn nóng mắc bẫy các đối tượng lừa đảo, tiêu cực.

Qua nắm bắt, tìm hiểu ngày 26/10/2011 Sở LĐTBXH đã ban hành Quyết định số 1571/QĐ-LĐTBXH thành lập Đoàn xác minh để tiến hành làm rõ nội dung phản ánh. Kết quả xác minh bước đầu như sau:

1. Việc lao động Trần Phú Cường và lao động Trần Mạnh Hồng đăng ký và dự thi tiếng Hàn ngày 17/10/2010, sau đó làm hồ sơ dự tuyển đi lao động Hàn Quốc tại Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh Nam Định là đúng.

2. Việc bà Ngọc tư vấn cho bà Trần Thị Kim ( tên chính xác là Trần Thị Thi) bác của Trần Mạnh Hồng để đi lao động tại Hàn Quốc với giá từ 7.000 đến 10.000 USD là có thật, nhưng đây là tư vấn theo chương trình VISA E7 của một số doanh nghiệp mà bà Ngọc biết, chứ không phải tư vấn đi theo chương trình EPS do Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Nam Định thực hiện.

3. Việc lao động Trần Mạnh Hồng đưa cho bà Vũ Thị Bích Ngọc 7.000 USD  thông qua bác là chưa đúng:

Bà Thi và anh Trần Mạnh Hồng đã khẳng định trong bản tường trình, biên bản làm việc ngày 24/11/2011 là: “bà, gia đình anh Hồng và bà Vũ Thị Bích Ngọc chưa có bất kỳ giao dịch nào về kinh tế”; bản thân anh Hồng và gia đình không có vướng mắc gì với bà Vũ Thị Bích Ngọc.

4. Việc bà Vũ Thị Bích Ngọc cầm 6.000 USD của gia đình lao động Trần Phú Cường là có thật, tuy nhiên theo kết quả xác minh đến ngày 08/12/2011Thanh tra Sở vẫn chưa thu thập đủ chứng lý để xác định số tiền này bà Ngọc cầm để chạy cho lao động Trần Phú Cường đi làm việc tại Hàn Quốc hay là khoản bà Ngọc vay để giải quyết việc riêng;

Để tiếp tục làm rõ vấn đề này Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định sẽ tổ chức để gia đình anh Trần Phú Cường, bà Vũ Thị Bích Ngọc và những người có liên quan đối chất để có cơ sở kết luận vụ việc.

Sở Lao động thương binh và xã hội tỉnh Nam Định xin báo cáo và trân trọng cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí, đặc biệt là Đài tiếng nói Việt Nam đã cung cấp thông tin cho chúng tôi hết sức kịp thời và kính đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp cung cấp thêm thông tin chứng cứ, giúp Sở LĐTBXH có căn cứ xem xét, sớm kết luận chính xác để giải quyết vụ việc.

Thời gian tới, trong quá trình tái cơ cấu lại nền kinh tế, cắt giảm đầu tư công để  chống lạm phát, vấn đề giải quyết việc làm nói chung và xuất khẩu lao động nói riêng càng có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo đảm an sinh xã hội của địa phương cũng như cả nước; Sở LĐTBXH kính mong quí các cơ quan Đài, báo tiếp tục theo dõi, phối hợp với tỉnh Nam Định kịp thời thông tin về nhưng gương điển hình làm tốt để nhân dân học tập, làm theo và phê phán các vụ việc tiêu cực, làm sai chính sách của Nhà nước nhằm làm ổn định tình hình giúp Nam Định làm tốt hơn công tác xuất khẩu lao động tạo điều kiên cho người lao động nâng cao cuộc sống, góp phần cùng các cấp các ngành giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

 

                                                                                            (Theo báo Lao động Xã hội)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *