Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động lại đôn đáo tìm người cho các đơn hàng đã ký với đối tác đã được cơ quan quản lý nhà nước cho phép. Các thị trường truyền thống vẫn đang mở rộng cửa với số lượng lớn, trong đó nhiều thị trường tăng lương, tăng chế độ đãi ngộ.
“Chạy” lao động từ đầu năm
Được Cục Quản lý lao động ngoài nước (QLLĐNN) thẩm định và cho phép thực hiện từ 8.2, hiện một công ty trong nước đang gấp rút triển khai đơn hàng tuyển 91 lao động đi làm việc ở Libya cho một trang trại chăn nuôi gà của Golden Co.for Poultry – một Cty CP chuyên hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi gà đẻ và ấp trứng.
Bà Trần Thị Minh Thu – Phó GĐ Cty – cho biết: Đơn hàng khá phù hợp với lao động VN làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp bởi đối tác chỉ yêu cầu lao động phổ thông, tuổi từ 19-40 tuổi. Sau khi tuyển, Cty sẽ cho lao động tham dự khóa đào tạo về kỹ năng ấp trứng, nuôi gà và thực tập tại Viện Chăn nuôi. Chi phí đi làm việc theo đơn hàng này khoảng 30 triệu đồng. Lương cơ bản của lao động gồm cả làm thêm giờ đạt mức 8,5-10 triệu đồng/tháng, chi phí ăn ở đã có Cty đài thọ.
Sự tiếp nhận lao động trở lại từ thị trường Libya với mức lương tăng cao hơn so với trước đây là tín hiệu khả quan đối với lao độngVN. Hiện nay, nhiều DN xuất khẩu lao động như: Vinaconex Mec, Việt Nhật, Việt Thắng… đã ký hợp đồng trở lại với các đối tác ở Libya. Ông Nguyễn Vạn Xuân – Chủ tịch HĐQT Cty CP Việt Thắng (VTC Corp) – cho biết: VTC Corp vừa được Cục QLLĐNN cho phép thực hiện 2 đơn hàng tuyển 252 lao động đi làm việc tại Libya trong lĩnh vực xây dựng, gồm: Công nhân xây dựng, trắc địa, kỹ sư, đốc công với mức lương cơ bản từ 300-1.700USD/tháng, lao động được chủ sử dụng lao động đài thọ toàn bộ chi phí ăn, ở, vé máy bay. Hiện, VTC Corp đang đôn đáo lo tìm “quân” cho đủ theo yêu cầu từ đối tác.
Khai thác thị trường Nhật Bản khá lâu năm, ông Lê Nhật Tân – Phó Tổng Giám đốc Cty CP phát triển nguồn nhân lực LOD – cho biết: Ngay từ những ngày đầu năm mới, nhiều đối tác đã sang Cty tuyển chọn tu nghiệp sinh. Đây là thị trường có nhu cầu tiếp nhận lớn, chế độ làm việc cũng như thu nhập cho lao động khá hấp dẫn. Hiện, tại trường đào tạo của Cty ở Hưng Yên đang tổ chức đào tạo, giáo dục định hướng cho 150-200 tu nghiệp sinh đã được tuyển chọn và số này sẽ được xuất cảnh trong 4-6 tháng tới.
Những ngày đầu năm, Cục QLLĐNN cũng đã tiếp nhận hàng trăm đơn hàng từ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đề nghị thẩm định và cấp phép cho thực hiện. Chỉ tính riêng từ 25.12.2012- 20.1.2013, cục đã cho phép các DN thực hiện 1.040 đơn hàng tuyển gần 12.000 lao động đi làm việc tại các thị trường: Đài Loan – TQ (chiếm hơn 82% số đơn hàng được thẩm định), Malaysia, Nhật Bản, Nga, Macau – TQ, Libya…
Tập trung khai thác thị trường truyền thống
Ông Lê Văn Thanh – Phó Cục trưởng Cục QLLĐNN – cho biết: Năm 2013, cục phấn đấu đạt chỉ tiêu đưa 85.000 lao động VN đi làm việc ở nước ngoài và củng cố các thị trường trọng điểm vẫn là mục tiêu hướng đến. Trong đó, đứng đầu là thị trường Đài Loan, dự kiến sẽ đưa hơn 30.000 lao động đi làm việc. Với Nhật Bản, năm 2012 đã đưa được 8.800 lao động VN đi làm việc, năm 2013 sẽ phấn đấu đưa được hơn 10.000 lao động đi làm việc, chưa kể nhu cầu tiếp nhận y tá, điều dưỡng viên sang làm việc tại Nhật Bản.
Riêng thị trường Malaysia, từ 1.1.2013, Malaysia sẽ tăng lương cơ bản của lao động lên 900 ringgit/tháng (tương đương khoảng 300USD/tháng) là tín hiệu tốt, góp phần làm tăng nhu cầu của lao động sang thị trường này. Khu vực Trung Đông, gồm các nước như: UAE, Qatar, Kuwait… lương cũng đã tăng, điều kiện làm việc tốt. Năm 2012 đã có khoảng 10.000 lao động được đưa đi làm việc tại thị trường này, năm nay dự kiến sẽ còn cao hơn…
Cơ hội khá rộng mở cho những lao động VN có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Thanh, người lao động phải hiểu rõ: Muốn có thu nhập cao thì phải chuẩn bị hành trang cho mình thật tốt, đó là trình độ ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật và tay nghề. Năm 2013, cục sẽ yêu cầu các DN xuất khẩu lao động tăng cường đào tạo, đồng thời cục sẽ giám sát chặt chẽ khâu tuyển chọn và tăng cường quản lý lao động.