Xuất khẩu lao động năm 2013 sẽ sáng hơn

   Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc khôi phục, chấn chỉnh lại các thị trường sẽ được tập trung giải quyết. Năm nay, phấn đấu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Trong năm 2012, cả nước chỉ đưa được khoảng 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 90% kế hoạch năm. Các biến động thị trường dự báo sẽ tiếp tục tác động, gây khó khăn cho xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam trong năm 2013.

Theo ông Nguyễn Thanh Hòa, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, việc khôi phục, chấn chỉnh lại các thị trường sẽ được tập trung giải quyết. Năm nay, phấn đấu đưa 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

   Khôi phục thị trường Hàn Quốc

Hàn Quốc là thị trường XKLĐ lớn thứ 3 của Việt Nam với số lượng lao động đưa sang làm việc hằng năm trên 10.000 người. Việc nước này dừng tuyển lao động Việt Nam theo chương trình cấp phép EPS từ tháng 8/2012 do lao động bỏ trốn quá đông khiến 10.000 lao động mất cơ hội dự tuyển sang Hàn Quốc làm việc. Do vậy, theo ông Nguyễn Thanh Hòa, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là tích cực triển khai các biện pháp chống trốn để sớm khôi phục lại thị trường trọng điểm này.

Ông Phan Văn Minh, Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước, cho biết nhằm giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn, tới đây sẽ áp dụng các biện pháp tài chính để ràng buộc trách nhiệm của người lao động (NLĐ). Theo đó, trước khi xuất cảnh, NLĐ phải đặt cọc một khoản tiền.

Khoản trợ cấp thôi việc (mỗi năm làm việc một tháng lương) của NLĐ cũng sẽ bị giữ lại, chi trả sau khi hoàn thành hợp đồng về nước đúng hạn. “Phía Hàn Quốc ghi nhận và đánh giá cao các biện pháp chống trốn của chúng ta. Cơ hội nối lại thị trường Hàn Quốc là rất lớn” – ông Minh nói.Dự kiến tháng 2 tới, Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc sẽ công bố hạn ngạch tuyển dụng lao động năm 2013. Nếu lệnh dừng tuyển được tháo bỏ, Việt Nam sẽ có cơ hội đưa 12.000 – 15.000 lao động sang Hàn Quốc trong năm 2013.

   Tăng dần lao động sang Libya

Ông Nguyễn Lương Trào, Chủ tịch Hiệp hội XKLĐ Việt Nam, đánh giá, so với các nước Bắc Phi và cả Trung Đông, Libya là thị trường hấp dẫn hơn cả nhờ thu nhập cao hơn, bình quân 10 triệu đồng/tháng đối với lao động phổ thông.

“Hiện nay các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã trở lại Libya, nhu cầu lao động tăng lên. Đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp (DN) đưa lao động trở lại nước này sau 2 năm rút hơn 10.000 lao động về nước vì xung đột chính trị” – ông Trào nhận định.

Bộ LĐ-TB-XH cũng quyết tâm tăng dần lao động sang Libya. Từ tháng 2/2012, bộ đã cho phép Công ty Sona đưa 8 lao động trở lại Libya. Đến đầu tháng 7/2012, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đề xuất của Bộ LĐ-TB-XH về việc thí điểm đưa lao động trở lại Libya.

Sau Sona, có thêm 4 DN được cho phép cung ứng lao động sang Libya. Tính đến nay, số lao động sang Libya qua các DN này đạt trên 500 người. Ngay trong tháng 1 này, 3 DN gồm VTC Corp, Vinaconex Mec và Vinamex tuyển chọn hàng trăm lao động xây dựng sang thị trường này.

Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý Lao động ngoài nước) cục khuyến khích các DN đưa lao động trở lại Libya nhưng phải làm chặt chẽ, bảo đảm việc làm, thu nhập, an toàn cho NLĐ. Dự kiến năm 2013 cả nước sẽ đưa khoảng 5.000 lao động sang Libya.

   Thêm nhiều thị trường mới

Trong tổng số 80.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài năm 2012, số lao động sang 4 thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Malaysia chiếm 70%. Trong năm 2013, bên cạnh phấn đấu đưa 60.000 lao động sang 4 thị trường này, Bộ LĐ-TB-XH khuyến khích các DN khai thác thị trường mới, thị trường thu nhập cao để tăng lượng và chất cho XKLĐ.

Trong năm qua, số lượng lao động sang các thị trường mới chưa tới 2.500 người, chỉ chiếm 3,1%. Trong đó, nhiều nhất là Cộng hòa Cyprus 1.450 người. Ông Nguyễn Xuân Vui, Tổng Giám đốc Công ty CP Dịch vụ thương mại hàng không (Airseco), cho biết ngoài việc tăng số lượng lao động sang Trung Đông và đưa lao động trình độ cao sang Nhật, Đức…

Airseco sẽ tuyển chọn lao động nông nghiệp sang Angola. Bên cạnh việc cung ứng thuyền viên cho các chủ tàu Hàn Quốc, TTLC cũng vừa triển khai hợp đồng cung ứng 70 thuyền viên cho một đối tác ở Hawaii.Ngoài ra, Nibelc sẽ tuyển 300 lao động nông nghiệp sang Algeria, Vinaincomex tuyển lao động nông nghiệp sang Cộng hòa Cyprus, Công ty Hoàng Long tuyển 50 thợ sơn sang Algeria, Letco tuyển 8 thợ đúc nhôm và Alsimexco tuyển 30 thợ may sang Slovakia.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *