PN – Tình hình lao động (LĐ) VN ở nước ngoài bỏ hợp đồng, làm việc bất hợp pháp tại thị trường Hàn Quốc đã trở thành vấn đề nóng, dẫn đến việc cơ quan chức năng kiến nghị đưa ra giải pháp mạnh, xử phạt nặng thân nhân người LĐ.
Ba tỉnh Quảng Bình, Nghệ An và Hà Tĩnh có số LĐ bỏ trốn nhiều nhất. Riêng Nghệ An có 500 LĐ trong tổng số 8.000 LĐ Việt Nam bất hợp pháp tại Hàn Quốc. Bộ LĐ-TB-XH đã có công văn số 2013/LĐ-TB-XH-TTLĐNN gửi các tỉnh về việc tạm dừng phái cử, không lựa chọn LĐ thuộc địa phương có nhiều LĐ bỏ trốn tại Hàn Quốc, khiến hàng ngàn người đã trúng tuyển trong các kỳ thi tiếng Hàn có khả năng mất cơ hội xuất khẩu lao động (XKLĐ). Biện pháp mạnh mà Cục Quản lý LĐ ngoài nước và ban ngành địa phương đưa ra là: thay đổi hình thức tuyển chọn, xử phạt người nhà, mức cao nhất 100 triệu đồng/trường hợp và đề nghị người LĐ phải đóng tiền cọc chống bỏ trốn.
Lao động xuất khẩu về nước trước hợp đồng chờ khiếu nại công ty XKLĐ
Trong số gần 50 thị trường XKLĐ, Hàn Quốc, Nhật Bản là hai thị trường hấp dẫn nhất, nên đã xảy ra rất nhiều tiêu cực, phí “cò” nhiều hơn phí chính thức, có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/người. Trong khi đó, “tiền cọc” (trước đây) được phép thỏa thuận giữa doanh nghiệp Việt Nam và người LĐ, tối thiểu 100.000.000đ sẽ là “phí chống trốn”. Trong một thời gian dài, người LĐ phải thế chấp nhà cửa, cầm cố tài sản để có bản hợp đồng LĐ. Họ còn phải đối mặt với những “án treo” về các điều khoản bị phạt như trách nhiệm cộng đồng (khi trong nhóm năm – bảy người, có một người trốn), tiền “chuộc” giấy tờ nhà đất khi thanh lý hợp đồng và đủ thứ tiền phát sinh khác mà doanh nghiệp “phạt vạ”.
Từ năm 1992, Chính phủ Nhật Bản tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam, mỗi năm tuyển mới hai – ba ngàn người. Cùng khoảng thời gian này, đến nay Hàn Quốc đã tiếp nhận hơn 60.000 LĐ VN. Tình hình LĐ nước ngoài bỏ hợp đồng, trốn ra ngoài làm việc bất hợp pháp ngày càng tăng. Tại Nhật Bản, có thời điểm tỷ lệ LĐ bỏ trốn gần 30% và Hàn Quốc khoảng 40%. Nhằm giảm tỷ lệ LĐ bỏ trốn, các công ty XKLĐ Việt Nam dùng “phí chống trốn” để ràng buộc người LĐ dẫn đến nhiều trường hợp phi pháp xảy ra. Theo cơ quan hợp tác tu nghiệp quốc tế Nhật Bản (Jitco), một số doanh nghiệp đã giao dịch ngầm, thu lợi bất chính từ tiền lương và chiếm dụng vốn từ “phí đặt cọc” của người LĐ.
Đã có trường hợp doanh nghiệp “vẽ đường cho hươu chạy” để người LĐ bỏ trốn càng nhiều thì thu lợi càng cao. Mới đây, Việt Nam đã xóa bỏ phí dịch vụ XKLĐ, xóa bỏ tiền cọc chống trốn. LĐ đi Hàn Quốc, mức phí chính thức chỉ còn khoảng 1.000 USD/người, thị trường Nhật xóa bỏ hoàn toàn các loại tiền dịch vụ. Theo ông Trần Quốc Ninh, Giám đốc Công ty Suleco: “Hầu hết các công ty XKLĐ đều nhận thấy phí chống trốn quá cao và không hợp lý. Thực tế, dù tiền thế chấp cao bao nhiêu cũng không giải quyết được LĐ bỏ trốn”. Việc đào tạo định hướng của doanh nghiệp còn yếu kém, trong khi chi phí dịch vụ quá cao dẫn đến những tiêu cực phát sinh. Các doanh nghiệp “lắt léo” những điều khoản trong hợp đồng dẫn đến tình trạng người LĐ không được đảm bảo điều kiện sinh hoạt, công việc và thu nhập không như cam kết ban đầu, khiến người LĐ dễ bị lôi kéo. Ông Lê Anh Tuấn – Giám đốc Trung tâm XKLĐ thuộc Công ty Tracimexco – Bộ Giao thông vận tải nhận định: “Sau khi thị trường Nhật bỏ phí chống trốn, nguồn LĐ dồi dào hơn, trường hợp vỡ hợp đồng ít xảy ra như trước. Thêm vào đó, LĐXK được bình đẳng về chế độ như LĐ nước sở tại khiến người LĐ yên tâm hơn. Từ đó thị trường XKLĐ không bị đẩy theo hướng tiêu cực vì các loại cò và “ma trận” phí”.
Song Khê(phunuonline.com)