Sau hơn 4 tháng sống khổ cực nơi xứ người và gần 1 tháng chờ đợi “giải cứu”, nhờ sự can thiệp kịp thời và tích cực của Đại sứ quán Việt Nam tại Nga, các lao động này đã về nước an toàn. Tuy nhiên, do tinh thần không ổn định nên hầu hết các lao động đều mệt mỏi, sụt cân.
Anh Trần Văn Giang (quê Tiên Lữ, Hưng Yên) chưa hết hoàn hồn: “Bốn tháng ở Nga với tôi là ký ức kinh hoàng. Làm việc quần quật từ ngày này sang ngày khác mà không có ngày nghỉ, dù là ốm đau. Ăn uống kham khổ, bẩn thỉu, cộng với sự đối xử bất công của người chủ Trung Quốc khiến anh em không thể tiếp tục nhịn nhục được nữa”.
Niềm vui của các lao động khi đoàn tụ với gia đình – Ảnh: Minh Hạnh |
Còn anh Lê Trung Kiên (quê Duy Tiên, Hà Nam) cho hay: “Trước khi sang Nga, tôi ký hợp đồng và đặt cọc 20 triệu đồng, đến nay chưa được trả đồng nào. Hợp đồng ghi ngày làm 8 tiếng/ngày, nhưng thực tế làm việc 12 tiếng/ngày, thậm chí có ngày làm tới 14 tiếng mà không có ngày nghỉ”.
Trước sự đình công của người lao động, chủ sử dụng lao động đồng ý cho về với điều kiện phải trả số tiền môi giới. Từ ngày 4 – 15.5, chủ đã cắt khẩu phần ăn, cắt điện nước sinh hoạt. Dưới thời tiết lạnh khắc nghiệt, lao động Việt Nam phải sử dụng nước lạnh để tắm giặt và ăn mì tôm cầm hơi. Khi có sự lên tiếng mạnh mẽ của báo chí trong nước và sự tích cực của Đại sứ quán Việt Nam, người lao động mới được cung cấp lương thực.
“Trắng tay” ngày về
Vui vì được về nước, nhưng còn đó rất nhiều nỗi lo – Ảnh: Minh Hạnh |
Theo tố cáo của các lao động, ông Nguyễn Văn Dũng, người của Công ty Hoa Việt đã đưa lao động sang thành phố Ekaterinbua, tỉnh Sverdlov (Liên bang Nga) làm công nhân may và giày da. Sau đó, công ty đã “bán” các lao động với giá 500 USD/người, rồi rũ bỏ trách nhiệm. Khi người lao động đình công đòi về nước, chủ sử dụng lao động yêu cầu phải trả 1.000 USD mới được cho về.
Trần Mạnh Tuấn (quê ở Tân Cương, Thái Nguyên) cũng cho biết, làm việc 4 tháng không có tiền, ngày ăn khoai tây luộc, tối hành tây xào trứng. Lương khi ký hợp đồng trước khi đi là 500 USD/tháng, nhưng khi sang Nga lương bị cắt một nửa còn 250 USD/tháng và ngày làm ít nhất 12 tiếng. Tiếng là đi xuất khẩu lao động sang Nga, nhưng 4 tháng nay anh chưa biết mặt đồng tiền lương là gì.
Cũng là lao động được Công ty Hoa Việt đưa sang, chị Lê Thị Thúy (quê Bố Trạch, Quảng Bình) làm việc tại xưởng may được một năm nay, nhưng tình cảnh không khác gì các lao động ở xưởng giày da. Trong một tháng qua, chị Thúy liên tục gọi điện cho Báo Thanh Niên để cầu cứu.
“Một năm nay, em và 2 lao động cùng quê chỉ được trả từ 3 – 4 triệu đồng/tháng, không đủ trả tiền ăn và tiền nhà… Khi thấy các lao động xưởng giày da về nước, chúng em cũng có nguyện vọng xin về thì bị ông Nguyễn Văn Dũng ép đòi phải trả 50 triệu đồng. Tiền ăn còn chẳng đủ, lấy đâu ra tiền chuộc”.
Nhờ người thân ở Việt Nam cầu cứu Bộ Ngoại giao, các lao động mới có ngày đoàn tụ với gia đình.
Cũng theo anh Lê Trung Kiên, muốn được về nước các lao động đều phải viết cam kết, khi về nước không được phép kiện tụng, những người ở lại thì chủ cam kết trả tiền đặt cọc và trả lương. Tuy nhiên, cũng như những lao động đã về nước đợt 1, nhiều người đều muốn cơ quan chức năng xử lý nghiêm những kẻ lừa đảo đưa người ra nước ngoài lao động trái phép.
Trước đó, ngày 13.5, đã có 11 lao động trở về. Tính đến nay, có 31 lao động tại các tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương… được “giải cứu” về nước.