Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu lao động cả năm

QĐND – Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho hay, trong quý 4 này sẽ phải hoàn thành chỉ tiêu cả năm đưa 87.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài. Để đạt mục tiêu trên, toàn ngành sẽ tập trung triển khai các đề án và dự án về hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó tập trung chủ yếu vào tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các nước sở tại cho người lao động.
 
 
Giờ thực hành may công nghiệp tại Trường Trung cấp nghề 12, Bộ Quốc phòng

 Năm 2010 là năm hoạt động XKLĐ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu, nhưng theo nhận định của các chuyên gia, lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng khó khăn. Ở những thị trường được coi là tiềm năng nhất như Ma-lai-xi-a, trong năm gần 100 doanh nghiệp nỗ lực cũng chỉ đưa được 11.000 lao động sang làm việc. Tương tự, thị trường Đài Loan dù đang dẫn đầu trong các thị trường tiếp nhận lao động Việt Nam, nhưng đưa lao động sang Đài Loan cũng đang trở nên khó khăn hơn khi phí môi giới quá cao. Còn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc tuy hấp dẫn bởi thu nhập khá cao, nhưng lại rất “khó tính” và nhu cầu có hạn. Cụ thể, thị trường Nhật Bản gần như năm nào cũng chỉ tiếp nhận gần 5000 lao động Việt Nam, còn thị trường Hàn Quốc thì ngày càng có những quy định nghiêm ngặt hơn về tay nghề, khả năng nghe, nói tiếng Hàn…

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, với kết quả đã thực hiện được trong 7 tháng đầu năm 2011 (đưa 54.532 lao động đi làm việc ở nước ngoài, đạt 62,5% kế hoạch năm và tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2010) nên việc hoàn thành kế hoạch năm không khó. Theo đó, hai nhiệm vụ trọng tâm được xác định từ nay đến cuối năm là tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án hỗ trợ XKLĐ tại các huyện nghèo và Dự án hỗ trợ đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Bên cạnh đó, sau hai năm triển khai Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh XKLĐ góp phần giảm nghèo bền vững theo Quyết định 71 của Chính phủ, đến nay đã có khoảng 10.000 lao động ở các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có khoảng 8000 lao động được học nghề, học ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và gần 5.500 lao động đã xuất cảnh đi làm việc tại các thị trường như Ma-lai-xi-a, UAE, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… trong đó, lao động thuộc hộ nghèo và người dân tộc thiểu số chiếm khoảng 95%. Ước năm 2011 sẽ có khoảng 3000 đến 4000 lao động thuộc 62 huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài.

Hiện tại, Cục Quản lý lao động ngoài nước đang triển khai Dự án “Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng” tại 9 tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và Hậu Giang. Tổng kinh phí thực hiện dự án lên tới 21.500 triệu đồng, dự kiến, dự án trên sẽ hỗ trợ đưa khoảng 2.500 lao động thuộc các hộ chính sách, người có công, lao động thuộc hộ nghèo, dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài. Tất cả số lao động đi theo dự án trên sẽ được hỗ trợ các chi phí, gồm: Học nghề ngắn hạn và ngoại ngữ (tối đa 3 triệu đồng/người/khóa học); bồi dưỡng kiến thức cần thiết (532.000 đồng/khóa); tiền ăn hằng ngày trong thời gian học (15.000 đồng/người/ngày); tiền đi lại cho học viên ở cách địa điểm học trên 15km (tối đa 200.000 đồng/người); các chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp.

Để hoàn thành mục tiêu đưa 87.000 người đi làm việc ở nước ngoài trong năm 2011, Cục Quản lý lao động ngoài nước phối hợp với Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao để đàm phán với các nước về Hiệp định thống nhất quản lý người nhập cư, xây dựng phương án quản lý các thị trường có đông lao động đi làm việc theo hợp đồng cá nhân… Bên cạnh đó, cùng Thanh tra Bộ LĐTB&XH thực hiện việc thanh tra, kiểm tra thường xuyên và đột xuất các doanh nghiệp XKLĐ về việc thực hiện pháp luật về XKLĐ… Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả và ý nghĩa công tác XKLĐ.

Bài và ảnh: Lan Hương(QĐND)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *