Những hậu quả khó lường của Xuất khẩu lao động tù mù ,kém hiểu biết

    “Tưởng đi ra làm việc ở nước ngoài để cuộc sống khá hơn, nhanh thoát nghèo hơn. Thế nhưng nhiều lao động phải tìm cách mua vé để quay trở về nhà bởi doanh nghiệp chỉ trả mức lương thấp hơn ở Việt Nam. Tất cả cũng bởi những lao động di cư đó không có được thông tin cần thiết về doanh nghiệp tuyển dụng và công việc sẽ làm” – thông tin trên được Bộ LĐ-TB&XH chia sẻ tại Hội thảo “Thúc đẩy di cư lao động an toàn” tổ chức ngày 18-12, tại Hà Nội.

Lao động di cư: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Dù đã làm việc tại Malaysia hơn 3 tháng nhưng chị Trần Thị Dung, 27 tuổi, quê Bắc Ninh cũng không biết là hợp đồng lao động của mình đang ở đâu và công ty môi giới nào đưa sang đây. Dung chỉ biết duy nhất tên giám đốc là Dũng. Cũng tại đất nước này, Trần Văn Hùng (22 tuổi, Chương Mỹ, Hà Nội) sau khi sang làm việc 2 tháng đã phải tìm cách vay mượn tiền bạn bè đồng nghiệp để trở về nước vì chỉ được ông chủ trả 1,5 triệu đồng/tháng. Mức thu nhập đó không thể đủ để Hùng trả tiền thuê nhà, ăn uống.

Anh Mai Minh (24 tuổi, quê Nghệ An) cũng đang làm việc ở Malaysia, tâm sự: “Hộ chiếu của em hiện giờ do chủ sử dụng giữ, em muốn về nước nhưng không biết làm thế nào”. Với những lao động có ít vốn kiến thức tự bảo vệ bản thân thế này thì nguy cơ gặp nhiều rủi ro, cướp bóc, trấn lột hoàn toàn có thể đến với họ bất cứ lúc nào” – bà Nguyễn Thị Mai Thùy, Điều phối viên Dự án tam giác, Tổ chức lao động quốc tế (ILO) chia sẻ. Cũng theo bà Thùy, cuộc điều tra xã hội học đối với lao động ở Malaysia thì nguồn thông tin chính của lao động Việt Nam lại đến từ những lao động khác, còn lại là nguồn thông tin đến từ các tổ chức phi chính phủ và chủ sử dụng lao động. Nếu lao động Việt Nam bị từ chối trả lương thì có những người không biết liên hệ với các tổ chức phi chính phủ, công đoàn và các nhà chức trách bằng cách nào.

Bên cạnh đó, tình trạng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp ở một số nước có chiều hướng gia tăng, điển hình là Hàn Quốc, chiếm tới 50% tổng số lao động sang đây làm việc khiến Chính phủ Hàn Quốc tạm dừng tuyển mới lao động Việt Nam. Hay trong tháng 9-2012 là vụ 14 lao động Việt Nam thiệt mạng trong vụ hỏa hoạn tại một xưởng may tại Nga cũng là một hồi chuông cảnh báo về tình trạng lao động di cư chưa thực sự an toàn. Vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thiếu nhiều kỹ năng, lao động di cư rất dễ bị dụ dỗ vào các đường dây môi giới xuất khẩu bất hợp pháp và họ đã trở thành nạn nhân…

Số lượng lao động di cư đang có nguy cơ gặp nhiều rủi ro khi Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Hòa cho biết thêm, mỗi năm có khoảng 80.000 lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Theo số liệu năm 2010, có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, góp phần vào số lượng khoảng 215 triệu lao động di cư trên toàn thế giới. Trong số các lao động đi xuất khẩu lao động thì 90% đi qua các doanh nghiệp dịch vụ tuyển dụng, 70% trong số đó là lao động phổ thông, 40% chưa tốt nghiệp lớp 12 và có đến 70% lao động là từ nông thôn, làm việc trong khu vực phi kết cấu, không nảy sinh quan hệ lao động…

Cần trang bị kỹ năng

Theo ông Hòa, hiện nay Việt Nam đã ký nhiều hiệp định, thỏa thuận về hợp tác lao động với các nước và vùng lãnh thổ có tiếp nhận lao động, đồng thời thường xuyên theo dõi, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động. Việt Nam cũng đã xây dựng và ban hành Bộ quy tắc ứng xử dùng cho doanh nghiệp Việt Nam đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; hợp tác với ILO triển khai thực hiện dự án Tam giác các hoạt động nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về xuất khẩu lao động, thành lập một số văn phòng tư vấn về lao động di cư tại một số tỉnh, xây dựng tài liệu bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi đi cho người lao động… Văn phòng thông tin di cư (có trụ sở tại Cục quản lý lao động ngoài nước) chính thức khởi động website hỗ trợ lao động ngoài nước cung cấp thông tin đầy đủ, đa dạng và kịp thời hơn. “Người lao động di cư sẽ thực sự được an toàn nếu chính họ chủ động tìm hiểu thông tin từ các tổ chức hợp pháp” – lãnh đạo ngành lao động nói.

Là người có thâm niên trong công tác phụ trách nhóm lao động di cư, từng đi chia sẻ kinh nghiệm để người lao động tự bảo vệ bản thân tại nhiều địa phương như Hà Nội, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, bà Dương Thị Xuân, Trưởng ban Chính sách – Luật pháp của TW Hội Phụ nữ Việt Nam cho hay, một trong những kinh nghiệm để bảo vệ lao động Việt Nam là phải xây dựng được mạng lưới hỗ trợ và thông tin di cư lao động, trong đó phải giúp lao động hiểu được quy trình, thủ tục khi muốn đăng ký xuất khẩu lao động, giúp lao động phân biệt được môi giới lao động hợp pháp và không hợp pháp, đồng thời trang bị kỹ năng làm thế nào để đi xuất khẩu lao động an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó phải xây dựng tài liệu tuyên truyền kiến thức kỹ năng di cư an toàn, phòng ngừa buôn bán người, cung cấp địa chỉ, điện thoại, đường dây nóng hỗ trợ thông tin cho lao động.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *