Được biết quý báo có chương trình tư vấn xuất khẩu lao động sang Nhật dành cho hộ nghèo. Xin hỏi tôi phải liên hệ nơi nào để biết rõ thủ tục cần thiết (giấy tờ hợp lệ, học tiếng Nhật ra sao…)?
– Theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg, lao động đăng ký đi xuất khẩu lao động sẽ được hỗ trợ gần như tất cả. Cụ thể, sẽ được hỗ trợ bảo đảm đủ trình độ để đi xuất khẩu lao động theo yêu cầu của từng thị trường.
Trường hợp người lao động muốn vay vốn, Cục Quản lý lao động ngoài nước và ngân hàng sẽ thẩm định (thông qua hồ sơ do các công ty xuất khẩu lao động gửi tới), cho vay tối đa theo mức chi phí tại thị trường mà người lao động sẽ tham gia.
Người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất chỉ bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.
Ngoài ra, Bộ LĐ-TB&XH cũng có văn bản hướng dẫn hỗ trợ xuất khẩu lao động thêm 9 tỉnh thành khác. Theo đó, lao động là thân nhân chủ yếu của người có công, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số… thuộc chín tỉnh nằm trong dự án (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định và Hậu Giang) có nguyện vọng đi lao động ở nước ngoài sẽ được hỗ trợ các chi phí ban đầu (dự án này không bao gồm người lao động thuộc 62 huyện nghèo đã được hỗ trợ theo quyết định 71/2009/QĐ-TTg).
Các chi phí hỗ trợ bao gồm: chi phí học nghề ngắn hạn; chi phí học ngoại ngữ; chi phí bồi dưỡng cần thiết; tiền ăn hằng ngày trong thời gian theo học và tiền đi lại. Ngoài ra, các chi phí làm hộ chiếu, visa, khám sức khỏe, làm lý lịch tư pháp cũng được hỗ trợ.
Lưu ý là người lao động chỉ được hỗ trợ một lần cho từng nội dung hỗ trợ. Trường hợp chi phí thực tế cao hơn mức hỗ trợ thì học viên sẽ đóng góp hoặc ngân sách địa phương xem xét bổ sung.
Nếu bạn thuộc các đối tượng trên thì mọi hỗ trợ sẽ được thực hiện như chính sách. Bạn có thể liên hệ các công ty xuất khẩu lao động uy tín hoặc hỏi tại sở LĐ-TB&XH nơi bạn cư ngụ để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết.
Các điều kiện để được đi Nhật: không bệnh tật, đủ sức khỏe, không tiền án, tiền sự, tuổi từ 18 – 30 (có một số trường hợp đến 35 tuổi), tốt nghiệp cấp III trở lên. Khi trở thành ứng viên của các công ty xuất khẩu lao động, bạn sẽ bắt buộc học tiếng Nhật do công ty đào tạo, học giáo dục định hướng… Các thủ tục vay vốn sẽ được công ty hỗ trợ hết mình.
* Xin hỏi các điều kiện để dự tuyển theo chương trình của Tổ chức IM Japan: độ tuổi, trình độ học vấn?
(nguyen van nhat)
– Tổ chức IM Japan hiện hợp tác với Trung tâm Lao động ngoài nước(OWC) tuyển dụng lao động qua Nhật làm việc (thực tế là thực tập sinh) miễn phí.
Để được là ứng viên của chương trình, bạn phải là nam, trình độ học vấn từ tốt nghiệp cấp III trở lên, độ tuổi phải từ 20 – 25, cao 1,6m và không bệnh tật, không bị cấm xuất cảnh Việt Nam và nhập cảnh Nhật.
Hiện IM Japan phối hợp với OWC tuyển dụng lao động theo ba kênh:
1. Tuyển dụng tại các địa phương thông qua sở LĐ-TB&XH tại địa phương đó, ưu tiên các đối tượng nghèo.
2. Tuyển dụng tại các trường dạy nghề
3. Tuyển dụng tại Tập đoàn Công nghiệp đóng tàu Việt Nam (Vinashin).
Đó là những điều kiện và chính sách cơ bản. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn liên hệ hỏi thêm tại sở LĐ-TB&XH địa phương bạn cư ngụ hoặc làm việc, hoặc tham khảo website http://www.ttldnnvietnam.gov.vn.
VĂN THÀNH
Mọi thắc mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục để đi lao động tại Nhật Bản; chính sách, nhu cầu tuyển dụng, công việc, ngành nghề xuất khẩu lao động sang Nhật Bản; cơ hội việc làm tại các công ty Nhật Bản ở VN… bạn đọc có thể gửi về chuyên mục Tư vấn việc làm Nhật Bản theo địa chỉ E-mail: Ldtoan1977@gmail.com (để đảm bảo chính xác nội dung câu hỏi, vui lòng gõ tiếng Việt có dấu).