Mòn mỏi đòi tiền thế chấp xuất khẩu lao động

Miệt mài gõ cửa cơ quan chức năng khiếu nại đòi tiền thế chấp xuất khẩu lao động đóng cho Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình, nhưng đã gần hai năm anh Đặng Hồng Nga cùng nhiều lao động vẫn cảnh “lực bất tòng tâm”.

Về nước tháng 3/2011 sau khi hết thời hạn tu nghiệp và làm việc tại Nhật Bản, thế nhưng đến nay, anh Đặng Hồng Nga (quê Trảng Bàng – Tây Ninh) cùng một số lao động khác ở TPHCM vẫn chưa nhận được số tiền thế chấp từ Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu 3-2 Hòa Bình (HOGAMEX) với tổng số tiền lên đến vài trăm triệu đồng.

Trước đó, anh Đặng Hồng Nga có ký hợp đồng đi tu nghiệp tại Nhật Bản với HOGAMEX (trụ sở tại phường Chăm Mát, TP Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình) có thời hạn 3 năm. Theo hợp đồng lao động, khi trở về nước, anh Nga được nhận lại số tiền đặt cọc trước đó. Cụ thể, anh Nga sẽ được nhận lại 64 triệu đồng cùng với tiền lãi.

Anh Nga kể lại, ngày đầu tiên đến HOGAMEX,

Người đại diện của công ty yêu cầu ký vào tờ giấy biên nhận để nhận lại nhận 22 triệu đồng. Điều đáng nói là mọi người đi chung đợt và đều hoàn thành hợp đồng lao động nhưng số tiền mỗi người nhận lại thì khác nhau.

Hai ngày sau, mọi người quay lại Công ty thì kịch bản lại như lần trước. Nhưng trớ trêu và tệ hại hơn khi phía công ty lại đưa ra một con số thấp hơn. Cụ thể, anh Nga chỉ được nhận khoảng 11 triệu đồng. Sau đó, nhóm Tu nghiệp sinh (TNS) có đến công ty một vài lần nhưng họ không được đón tiếp và hướng dẫn thanh lý hợp đồng lao động gì thêm.

Anh Nga tâm sự, để được xuất khẩu lao động, gia đình anh phải vay ngân hàng 100 triệu đồng, số còn lại thì vay mượn của bà con. Tổng chi phí cho thủ tục và học tập để được đi Nhật lên đến 200 triệu đồng. Hoàn thành lao động trở về, số tiền dư để hỗ trợ gia đình và làm chút vốn lận lưng chính là hơn 60 triệu đồng tiền đặt cọc.

Ngày 12/5/2011, nhóm TNS đã ký Hợp đồng ủy quyền cho văn phòng luật sư Trường Tín đại diện giải quyết tranh chấp trong “Thỏa thuận thế chấp” và “Hợp đồng đi tu nghiệp tại Nhật Bản” ký ngày 14/2/2008 với HOGAMEX. Sau đó, mọi người trở lại TPHCM.

Ngày 9/6/2011, HOGAMEX có văn bản trả lời văn phòng luật sư Trường Tín: “Do TNS chưa thực hiện nghĩa vụ nộp phí dịch vụ đối với công ty, nên khi làm thủ tục thanh lý hợp đồng, Công ty có yêu cầu: Sau khi công ty hoàn trả lại tiền ký quỹ và lãi phát sinh, TNS sẽ thực hiện việc nộp phí dịch vụ theo quy định. Vì chưa hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của mình nên TNS chưa thanh lý hợp đồng và đã có kiến nghị không đúng thực tế”.

Trong khi đó, các cơ quan chức năng tỉnh Hòa Bình kết luận rằng, HOGAMEX chưa có hiện tượng ăn chặn tiền đặt cọc của các Tu nghiệp sinh Nhật Bản trở về nước.

Tháng 7/2011,

Đại diện văn phòng luật sư Trường Tín đã hai lần đến HOGAMEX để làm thủ tục thanh toán hợp đồng đi tu nghiệp tại Nhật Bản cho anh Nga. Thế nhưng phía công ty chỉ đồng ý trả lại 8 triệu đồng.
Hơn 1 năm trước, văn phòng luật sư đã gửi Đơn kiện lên Tòa án Nhân dân tỉnh Hòa Bình cách nhưng đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi.

Anh Nga cho biết, một số TNS xuất cảnh trước đó một năm được nhận lại số tiền 64 triệu đồng cùng tiền lãi; nộp lại hai phiếu thu, ngoài ra không có thêm bất kỳ thủ tục nào liên quan đến thanh lý hợp đồng đi tu nghiệp tại Nhật Bản.

Nhưng đến các TNS thế hệ của anh Nga thì có hiện tượng này xảy ra. Hiện những người đi sau anh một năm cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Điểm đáng chú ý, anh Nga và các TNS sau này phải làm thủ tục thanh lý hợp đồng ở Hòa Bình nên mới xảy ra tình trạng này.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Ngọc Thanh, nguyên giám đốc chi nhánh TPHCM của công ty HOGAMEX cho biết, gần như ông là đại diện bên phía Nhật Bản, có trách nhiệm đảm bảo cho các bạn TNS được làm việc, nhận lương và có các chế độ bảo hiểm đầy đủ. Vấn đề tiền thế chấp liên quan đến hợp đồng lao động mà các TNS đang khiếu nại thì phải liên hệ trực tiếp với HOGAMEX để giải quyết.
Ông Thanh cho biết thêm, lúc chi nhánh TPHCM còn hoạt động thì TNS nhận tiền thế chấp đầy đủ tại văn phòng. Nhưng sau khi công ty mẹ cổ phần hóa, thay đổi ban giám đốc, cơ cấu tổ chức. Theo đó, vai trò của chi nhánh TP.HCM trong việc chi trả tiền thế chấp cho TNS cũng không giống như trước. Sau đó, ông cũng ngưng làm chi nhánh cho HOGAMEX. Thế nên, những vấn đề nảy sinh sau này ông không thể can thiệp.

Ông Thanh khẳng định, lúc trước đề nghị phía HOGAMEX làm thủ tục thanh toán tiền thế chấp cho các TNS nhưng HOGAMEX cứ nói là để xem lại luật và rồi cứ ừ à thả trôi.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *