Lao động “chui” – hậu quả khôn lường

(VOV) – Rồi một ngày, họ phải bỏ mạng trên xứ người lạnh lẽo, ngay cả việc mai táng cũng sơ sài, nắm tro cốt cũng không thể về được với người thân…

Họ là những thanh niên trai tráng đã xuất cảnh “chui” sang xứ người mưu sinh. Rồi một ngày, họ phải bỏ mạng trên xứ người lạnh lẽo, ngay cả việc mai táng cũng sơ sài, nắm tro cốt cũng không thể về được với người thân nơi quê nhà. Đó là cái kết đau lòng của một số nạn nhân lao động “chui” ở Nghệ An bên nước Nga.

Những cú điện thoại cầu cứu từ nước Nga

Vào ngày 22/1/2012 (tức 29 Tết Nhâm Thìn), chúng tôi nhận được điện thoại của một người lạ từ bên nước Nga gọi về. “Anh ơi, chúng nó không trả lương cho bọn em hơn một năm trời. Nhiều đứa phải trốn ra ngoài làm, bị chúng báo cho cảnh sát bắt phạt tiền. Đến giờ đã có ba người chết nhưng không được chôn mà chỉ quấn vải lấp đất lại…”.

Từ nước Nga xa xôi, tiếng kêu cứu của người lao động “chui” báo tin đã có 3 người chết trong một vụ ngạt khí gas nhưng đều không được mai táng đàng hoàng mà chỉ lấp đất, thậm chí, có 2 người phải nằm chung một… hố khiến chúng tôi sửng sốt.

Ngay sau đó, chúng tôi lại nhận được cuộc gọi thứ 2 vào sáng mùng một Tết (23/1). Cũng từ số máy bên kia thông báo chi tiết tên của 2 nạn nhân, còn nạn nhân thứ 3 họ không nhớ tên và địa chỉ mà chỉ biết cùng quê Nghệ An và đều chết vào ngày 14/12/2011. Lần này, người kêu cứu còn cho biết chi tiết họ tên, địa chỉ của mình cùng họ tên, địa chỉ của người đưa họ đi bất hợp pháp. Từ những thông tin đó, chúng tôi đã vào cuộc đi tìm tung tích gia đình những nạn nhân xấu số.

Vợ chồng ông Vinh, bà Nguyệt đau xót bên bàn thờ con trai Nguyễn Văn Dũng tại xóm Phúc Nguyên, xã Diễn Phúc, Diễn Châu, Nghệ An

 

Nước mắt người thân nơi quê nhà

Đầu tiên, chúng tôi tìm đến người có địa chỉ gần nhất tên Khoa, có hộ khẩu thường trú tại địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Sau 3 ngày điều tra, tìm kiếm, chúng tôi gõ cửa ngôi nhà nạn nhân đầu tiên tại xóm 3B, xã Quỳnh Lộc, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông Lê Công Hoàng, bố của nạn nhân Lê Công Khoa vẫn còn bàng hoàng bên di ảnh con trai trước bàn thờ mới lập vội.

Khi biết chúng tôi nhận được điện thoại kêu cứu của một người từ nước Nga, ông Hoàng kể: “Khoa sinh năm 1992, đi cùng với 2 người khác trong làng là Hồ Sĩ Hồ và Hồ Đức Thiêm. Trước khi bay, mỗi người đi phải nộp cho người môi giới tại huyện Diễn Châu (Nghệ An) là 2.700 USD. Tất cả lên máy bay vào tháng 2/2011 vừa qua, Hồ gọi điện về báo tin Khoa bị ngạt khí gas mất cùng với 2 người khác quê Diễn Châu. Khổ lắm chú ạ, nó đi mới gửi về được hơn 20 triệu đồng, trong khi số tiền vay mượn ngân hàng và anh em cho cháu đi lên đến 50 triệu mà giờ lãi mẹ đẻ lãi con, chúng tôi biết lấy gì để trả”.

Vừa khóc, ông Hoàng vừa kể: “Biết là đi chui, bất hợp pháp, nhưng giờ tôi chỉ mong làm sao người đưa đi hỗ trợ cho một ít tiền để trả nợ ngân hàng chứ đưa thi thể cháu về thì mất 3 tỉ đồng, cả đời họ hàng tôi góp lại cũng không thể có số tiền đó”.

Tại xóm 2 xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn cũng chung số phận như Lê Công Khoa. Khi bước chân vào nhà, cảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là bàn thờ anh Tuấn cũng vừa mới lập nghi ngút khói hương.

Kể chuyện trong nước mắt, Đức – con trai anh Tuấn cho biết: “Bố cháu mất năm nay vừa bước sang tuổi 43, còn mẹ cháu tên Đặng Thị Nhung, 40 tuổi, hiện bán hàng quần áo tại chợ Phú Diễn, Diễn Châu. Bây giờ mẹ con cháu chẳng biết cầu cứu ai nữa! Chỉ mong sao có người giúp đỡ đưa thi thể bố cháu về được quê…”.

Gia đình các nạn nhân Nguyễn Văn Tuấn và Lê Công Khoa đều cho biết, theo lời những người bên Nga kể lại, sau khi tử vong, nạn nhân Tuấn và Khoa chỉ được mai táng sơ sài và không hề có quan tài hay mộ chí.

Cùng chung cảnh ngộ như anh Tuấn, còn có anh Nguyễn Văn Dũng ở xóm Phúc Nguyên, xã  Diễn Phúc, huyện Diễn Châu, Nghệ An…

Chúng tôi tiếp tục lên đường về xã Diễn Phúc. Trong căn nhà cấp 4, ông Nguyễn Đức Vinh, bố của nạn nhân nước mắt lưng tròng cho chúng tôi biết: “Dũng sinh ra trong gia đình có 7 anh em, là con thứ 3 và hiền lành, ngoan ngoãn nhất nhà. Dũng đi bộ đội về tháng 12/2009 thì đến 10/2/2011 nộp 50 triệu đồng cho một người môi giới trong huyện nhà để đi xuất khẩu lao động chui, mong kiếm công ăn việc làm ổn định để đổi đời. Vậy mà, đâu có ngờ đi chưa đầy năm, mới gửi về được 20 triệu đồng thì mất do ngạt khí gas”.

Khác với cháu Khoa và anh Tuấn bị “vùi” chung một chỗ không được đắp mộ, Dũng được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện và nhờ sự quen biết của người nhà tại đó nên họ cấp tốc mai táng trộm cháu trong vòng 30 phút để nhà chức trách không biết. Thông tin trên được một người bạn của Dũng cung cấp cho ông Vinh sau đó 2 ngày.

Bà Trần Thị Nguyệt, mẹ của nạn nhân Dũng nói: “Vợ chồng tôi đã già rồi. Gia đình tôi làm nông nghiệp, với số tiền 50 triệu đồng vay mượn là hàng chục tấn thóc. Nợ nần thì sẽ trả dần, nhưng mong mỏi nhất của gia đình chúng tôi là đem được thi thể cháu trở về quê hương…”.

Xuất khẩu lao động “chui” và những hệ lụy khó lường

Người đi đã bỏ mạng ở xứ người, còn người thân của họ ở quê nhà thì đau đớn thắt lòng. Tất cả giờ đây chỉ có một mong muốn là thi thể nạn nhân được đem về quê yên nghỉ. Điều đáng lo ngại hơn là những trường hợp như các nạn nhân trên không phải cá biệt.

Hằng năm, cả nước có nhiều lao động ra nước ngoài làm việc bất hợp pháp bằng hộ chiếu phổ thông, đường du lịch và không ít trong số này phải bỏ mạng tại xứ người vì tranh chấp lao động, vì cuộc sống kham khổ và hàng ngàn lí do khác. Nạn nhân của tình trạng này phần lớn là thanh niên vùng quê.

Biết rằng đi lao động “chui” là vi phạm pháp luật, là sẽ trông chờ vào may, rủi. Thế nhưng vì số tiền bỏ ra ít ỏi và với hy vọng đổi đời nên nhiều người vẫn lao vào, tạo cơ hội cho những kẻ vô lương tâm nhởn nhơ kiếm tiền ngoài vòng pháp luật./.

Nguyễn Hải/Báo TNVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *