Hiện nay, có khoảng 500.000 lao động nước ta đang làm việc tại trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những nước, vùng lãnh thổ nhận số lượng lớn lao động Việt Nam như: Malaysia, Đài Loan và Hàn Quốc. Chỉ tính từ năm 2001 đến nay, bình quân mỗi năm nước ta đã đưa được khoảng trên 60.000 lao động, riêng trong 5 năm trở lại đây con số đó là gần 80.000 lao động, chiếm hơn 5% tổng số lao động được giải quyết việc làm hàng năm. Ngoài ra, hiện nay có 80 chuyên gia giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo của Angola, 200 chuyên gia y tế làm việc tại Algeria, Mozambique và Angola, 65 chuyên gia nông nghiệp làm việc tại một số quốc gia Châu Phi trong khuôn khổ hợp tác 3 bên giữa Việt Nam – FAO và các nước này. Nhu cầu nhận chuyên gia ở khu vực còn lớn, chúng ta cần nghiên cứu để có chính sách đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy hoạt động này.
Đặc thù của một số thị trường
Thị trường Hàn Quốc:
Trước đây, ta đưa lao động sang Hàn Quốc theo hình thức tu nghiệp sinh thông qua một số doanh nghiệp dịch vụ. Từ năm 2004, theo Luật Cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài của Hàn Quốc, hai bên đã ký thỏa thuận về đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại nước này theo hình thức phi lợi nhuận, người lao động chỉ phải chịu chi phí 700 USD trước khi đi. Tỷ lệ hồ sơ dự tuyển của lao động Việt Nam gửi đi được người sử dụng lao động lựa chọn tiếp nhận là 85%, cao nhất trong số 15 quốc gia đưa lao động sang Hàn Quốc. Tính đến nay, đã có khoảng 43.000 lao động Việt Nam được đưa đi làm việc theo chương trình này. Hiện đang có khoảng 50.000 lao động Việt Nam làm việc tại đây, hàng năm gửi về nước trên 700 triệu Đô la Mỹ.
Lao động ta làm việc tại đây chủ yếu trong các nhà máy công nghiệp (khoảng 87%), số còn lại làm việc trong các ngành nông nghiệp, xây dựng và thủy sản. Người lao động có điều kiện bảo đảm, việc làm ổn định và thu nhập cao, bình quân khoảng hơn 1.000 USD/tháng.
Thị trường Nhật Bản:
Nhật Bản không nhận lao động nước ngoài tay nghề thấp vào làm việc, mà chỉ tiếp nhận lao động thực tập, nâng cao tay nghề (gọi là tu nghiệp sinh). Ta đã đưa tu nghiệp sinh sang Nhật Bản từ năm 1992, song tình trạng tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc với tỷ lệ cao đã làm ảnh hưởng không tốt đến việc mở rộng thị trường, nên hàng năm chỉ đưa được khoảng 3.000 người. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 141/2005/NĐ-CP về quản lý lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài (các quy định của văn bản này đã được đưa vào luật) và Bộ Lao động –Thương binh và Xã hội chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng tuyển chọn, đào tạo và tăng cường công tác quản lý nên tỷ lệ lao động tự ý bỏ hợp đồng đã giảm rõ rệt, từ khoảng 30% trong các năm trước xuống còn khoảng 2%, nhờ vậy, số lượng tu nghiệp sinh đưa đi hàng năm đã tăng rõ rệt.
Ngoài việc đưa đi thông qua các doanh nghiệp dịch vụ, Việt Nam còn hợp tác với Tổ chức Phát triển nhân lực quốc tế của các doanh nghiệp vừa và nhỏ Nhật Bản (IMM Japan) để đưa tu nghiệp sinh sang Nhật theo hình thức phi lợi nhuận, người lao động không phải chi phí trước khi đi. Chương trình này đã giúp nhiều đối tượng chính sách, lao động thuộc các tỉnh có khó khăn được đi tu nghiệp tại Nhật.
Tu nghiệp sinh tại nước này có điều kiện sinh hoạt và làm việc tốt, thu nhập bình quân khoảng 1.000USD/tháng. Hiện nay, có khoảng hơn 30 nghìn tu nghiệp sinh ở Nhật Bản, hàng năm gửi về nước khoảng hơn 300 triệu Đô la Mỹ.
Thị trường Đài Loan:
Bắt đầu từ cuối năm 1999, đến nay đã đưa được trên 200 nghìn lượt lao động sang làm việc. Trước đây, lao động ta cũng bỏ hợp đồng ra ngoài với tỷ lệ lớn, dẫn đến từ đầu năm 2005 Đài Loan buộc phải tạm dừng nhận lao động chăm sóc người bệnh và phục vụ trong các gia đình. Trước tình hình đó, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường khai thác hợp đồng đưa lao động sang làm việc trong các ngành sản xuất công nghiệp, thu nhập khoảng 700USD/tháng.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, nhiều lao động ta thiếu việc làm, giảm thu nhập và phải về nước trước hạn (từ cuối năm 2008 đến quý II năm 2009 có khoảng 5.500 người về nước trước hạn). Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo phối hợp với phía Đài Loan thực hiện các giải pháp bảo đảm quyền lợi cho người lao động.
Thị trường Malaysia:
Malaysia là một thị trường có nhu cầu nhận rất nhiều lao động nước ngoài. Ta bắt đầu đưa lao động sang từ cuối năm 2002 theo thỏa thuận giữa hai Chính phủ và hiện có khoảng 90.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này.
Malaysia không yêu cầu cao về chất lượng lao động, chi phí trước khi đi thấp, phù hợp với lao động ở các vùng nông thôn, thu nhập khoảng 3,5 – 5 triệu đồng/tháng. Từ năm 2002 đến đầu năm 2007, ta đã đưa số lượng lớn lao động sang thị trường này. Tuy nhiên, từ năm 2007, do sự thay đổi chính sách của nước sở tại, một số ngành kinh tế giảm nhu cầu lao động, dẫn đến nhiều lao động nước ngoài (trong đó có lao động Việt Nam) gặp khó khăn trong việc làm và thu nhập, một bộ phận phải về nước trước thời hạn. Bên cạnh đó, một số phương tiện thông tin đại chúng trong nước đã đưa nhiều thông tin tiêu cực về thị trường này, làm người lao động hoang mang, không muốn đi, do đó, trong hai năm 2008 và 2009, số lao động đi làm việc tại Malaysia đã giảm đi rõ rệt so hàng chục nghìn người của những năm trước đó.
Từ nửa cuối năm 2009, thị trường Malaysia đã phát triển trở lại, cùng với đó, nhu cầu lao động của thị trường này rất lớn, thu nhập được nâng cao hơn. Chính phủ Malaysia cũng đưa ra một số chính sách giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động nước ngoài. Các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã lựa chọn những hợp đồng tốt, thu nhập khá và ổn định để đưa lao động đi. Hiện nay, tình hình lao động ta làm việc tại Malaysia đã ổn định, thu nhập tốt, hầu như không có vụ việc lớn phát sinh. Đặc biệt là kể từ khi triển khai thực hiện Quyết định số 71 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020, công tác thông tin tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là đối với những thị trường “dễ tính” như Malaysia đã được triển khai mạnh, nên số đăng ký tham gia đã tăng lên rất nhiều. Khoảng một nửa trong số trên 2.500 lao động các huyện nghèo đang làm việc tại Malaysia đều có điều kiện làm việc bảo đảm, thu nhập khá, hàng tháng tiết kiệm được khoảng 4 triệu đồng. Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chỉ đạo các doanh nghiệp tăng cường khai thác các hợp đồng có điều kiện tốt, phối hợp với các địa phương tuyển chọn lao động đưa đi.
Thị trường Trung Đông và Bắc Phi:
Trung Đông là thị trường thu hút nhiều lao động Việt Nam trong những năm gần đây, đặt biệt là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), Arập Xê út, Ca-ta, Bahrain, Oman. Hiện nay có khoảng 22.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực này, điều kiện làm việc và thu nhập tương đối bảo đảm và ổn định (lao động phổ thông thu nhập khoảng 300USD/tháng, lao động có nghề khoảng 500-800USD/tháng). Tuy nhiên, tại Ca-ta có một số lao động tay nghề thấp, ý thức kỷ luật chưa cao, trong khi điều kiện ăn ở và thu nhập chưa tốt nên đã có các hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm hợp đồng như đình công, đánh nhau, trộm cắp… nên phía bạn đang thực hiện một số biện pháp hạn chế nhận lao động Việt Nam.
Bắt đầu từ năm 2008, thị trường Lybia đã phát triển mạnh và ta đã đưa được khoảng 3.500 lao động, hiện có khoảng 7.000 lao động đang làm việc tại đây. Yêu cầu về chất lượng lao động của thị trường này không cao trong khi thu nhập tốt (hàng tháng người lao động tiết kiệm và gửi về nước được khoảng 5 triệu đồng). Vừa qua, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phê duyệt Đề án phát triển thị trường Lybia, theo đó các doanh nghiệp đưa lao động sang thị trường này phải dành ít nhất 30% số lao động của hợp đồng để tuyển từ 62 huyện nghèo và phải có bộ máy quản lý theo quy định (cán bộ quản lý, đốc công…)
Thị trường Nga và các nước SNG:
Sau một thời gian dài đình trệ, năm 2007 và nửa đầu năm 2008, nhiều doanh nghiệp của ta đã ký được các hợp đồng với điều kiện tốt để đưa lao động sang làm việc tại Liên bang Nga, Belarus và Ucraina trong các ngành nghề xây dựng, sản xuất chế tạo (lắp ráp điện tử, sản xuất ô tô,..) và may mặc. Trong hai năm vừa qua, đã đưa được hơn 1.000 lao động sang Nga và các nước SNG với thu nhập bình quân hàng tháng khoảng 300 USD. Tuy nhiên, do cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính vừa qua nhiều lao động của ta đã phải về nước trước thời hạn do thiếu việc làm.
Thị trường các nước châu Âu khác:
– Thị trường Cộng hòa Séc: Từ cuối năm 2006 đến nay, ta đã đưa được khoảng 2.000 lao động sang làm việc trong các nghề cơ khí, điện tử, may mặc, thu nhập bình quân khoảng 500USD/tháng. Tuy nhiên, từ năm 2008 do phía Séc thắt chặt quy định cấp visa lao động Việt Nam nên Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo không tuyển lao động mới đi Séc.
Gần đây ta đã tiếp tục mở thêm một số thị trường mới ở châu Âu, như Cộng hòa Slovakia, Bungaria, Rumania, Ba Lan… là những nơi cần lao động có nghề, có triển vọng phát triển nếu ta có nguồn lao động phù hợp. Bên cạnh đó, ta cũng đã bắt đầu đưa lao động hái quả thời vụ sang làm việc tại Phần Lan, Thụy Điển nhưng kết quả chưa khả quan.
Thị trường Hoa Kỳ và Canada:
Từ cuối năm 2004, đầu năm 2005, một số doanh nghiệp XKLĐ đã tìm hiểu và ký kết hợp đồng để đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại hai nước này, nhưng do một số khó khăn như yêu cầu chất lượng lao động (ngoại ngữ, tay nghề,…) và khâu thủ tục xin visa, nên mới có một số doanh nghiệp đưa được một số lao động sang các thị trường lao động này mặc dù điều kiện làm việc, sinh hoạt ở đây khá tốt, thu nhập cao ./.
TS. Đào Công Hải
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước – Bộ Lao động Thương binh và xã hội