(Chinhphu.vn) – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đang kiến nghị Chính phủ cho phép cử cán bộ Công đoàn sang những nước hiện có nhiều lao động Việt Nam đang làm việc để nắm tình hình, qua đó chủ động đề xuất các giải pháp và tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau.
Trong đó, có tới 215.000 là lao động nữ, chiếm 50,2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội (52,9%), công nghiệp (42,2%) nông nghiệp, thủy sản. Đây cũng là đối tượng gặp nhiều thiệt thòi, rủi ro do hạn chế về khả năng ngôn ngữ nước sở tại, tay nghề thấp, ý thức kỷ luật chưa tốt.
Từ ý thức người lao động
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được Quốc hội phê duyệt năm 2006 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, công tác bảo vệ người lao động đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn một số hạn chế. Nguyên nhân phần nhiều do ý thức kỷ luật của người lao động chưa tốt, dẫn đến vi phạm luật pháp nước sở tại, bị chủ sử dụng ngược đãi.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Đào Công Hải, đa số lao động xuất thân từ vùng nông thôn, trình độ văn hóa và hiểu biết thấp, nhiều hạn chế về ngôn ngữ và chưa được đào tạo nghề, không được phổ biến về luật pháp và phong tục của nước sở tại nên khó hòa nhập với lối sống, sinh hoạt của chủ sử dụng lao động.
Bên cạnh đó, tình trạng lao động đi theo hình thức tự phát, tự túc cũng là một trong những nguyên nhân khiến lao động phải đối mặt với nhiều rủi ro, vì không được tiếp cận các thông tin chính thức, không được bảo vệ quyền lợi bởi những doanh nghiệp được cấp phép.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó trưởng phòng Quản lý lao động, Cục Quản lý lao động ngoài nước nêu ví dụ, nhiều lao động có trình độ văn hóa và ngoại ngữ hạn chế nên không thể gọi cảnh sát can thiệp, thậm chí có người gọi đến Đại sứ quán kêu cứu nhưng không nói được địa chỉ của mình.
Một nguyên nhân dẫn đến việc lao động chưa được bảo vệ kịp thời khi xảy ra rủi ro là do ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo người lao động.
Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động ở nước ngoài chưa kịp thời trong việc xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp của người lao động, đặc biệt ở những thị trường chưa có ban quản lý.
Nâng cao vai trò của các tổ chức chính trị, xã hội
Tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức cuối tuần qua, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, song cơ chế bảo vệ cho người lao động khi bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi là chưa cụ thể.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho biết, Tổng Liên đoàn đang kiến nghị Chính phủ cho phép cử cán bộ Công đoàn sang những nước hiện có 50.000 lao động Việt Nam trở lên đang làm việc để nắm tình hình; qua đó chủ động đề xuất các giải pháp và tham gia bảo vệ quyền lợi của người lao động làm việc ở nước ngoài.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu lao động Nguyễn Lương Trào, cần tăng cường hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động để lao động Việt Nam có quyền bình đẳng với lao động bản địa và lao động của các quốc gia khác.
Đặc biệt, phải cung cấp, thông tin cho người lao động ở nước ngoài giúp cho việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết được thuận tiện. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cần thương thảo và ký kết hợp đồng có đủ các điều kiện rõ ràng liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động đúng theo pháp luật Việt Nam. Bản thân người lao động cần tự giác nâng cao trình độ ngoại ngữ, tìm hiểu thật kỹ thị trường lao động mà mình sẽ tới.
Về bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, Trưởng ban Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế (Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) Cao Thị Hồng Vân, cho rằng, phải hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật bảo đảm quyền lợi cho phụ nữ lao động ở nước ngoài; đào tạo kỹ về nghề nghiệp, ngoại ngữ; trang bị kiến thức về luật pháp, phong tục và tập quán cơ bản của nước đến, để lao động nữ có thể tự bảo vệ mình khi cần thiết.
Dự án Tăng quyền năng cho phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Phát triển Phụ nữ Liên Hợp Quốc triển khai từ tháng 3/2010 cũng đã thu được nhiều kết quả khả quan. Nhiều cán bộ làn chính sách, doanh nghiệp xuất khẩu lao động đã được tập huấn hỗ trợ phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài, hướng dẫn lao động nữ để họ được đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng.
Thu Cúc(Chinhphu.vn)