Những năm gần đây, xuất khẩu lao động cũng dần trở thành nhu cầu cấp thiết đối với người dân nông thôn. Tuy nhiên, tại Nghệ An và Hà Tĩnh, bên cạnh xuất khẩu lao động theo các kênh chính thống, thì tình trạng “xuất khẩu lao động chui ” giá siêu rẻ với cái mác đi du lịch cũng đang có dấu hiệu “nở rộ” bằng các chiêu bài môi giới lao động, kinh doanh lao động và lừa đảo lao động bất hợp pháp…
Giá rẻ bất ngờ
Theo nhận định từ phía nhiều người dân ở hai huyện Đô Lương, Yên Thành (Nghệ An), trong khi đi xuất khẩu lao động qua các kênh chính thống ở một số thị trường như Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, cần nguồn vốn tương đối lớn, thì “xuất khẩu lao động chui” sang Nga, Thái Lan có lại giá rẻ đến bất ngờ.
Chỉ cần bỏ ra nguồn vốn từ 40-45 triệu đồng đối với ngành xây dựng, 26-30 triệu đồng ngành dệt may, bất cứ ai từ thanh thiếu niên, phụ nữ cho tới “ông lão trẻ”, đều dễ dàng đi xuất khẩu lao động. Ở vùng quê Đô Lương, tình trạng xuất khẩu lao động tại Nga những năm gần đây chiếm tỷ lệ rất cao.
Tuy nhiên, theo bà Bùi Thị Ngọc – Phó phòng Lao động-Xã hội huyện Đô Lương thì hiện nay tại thị trường Nga, chính thức mới chỉ có hai đơn vị liên kết với phòng đưa người dân đi xuất khẩu lao động. Còn những đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép thì do không thông qua phòng nên phòng cũng không nắm được.
Cũng theo bà Ngọc, chi phí ban đầu bỏ ra để đi xuất khẩu lao động trái phép ở thị trường Nga giá rất rẻ. Ví dụ, mức giá theo đường dây du lịch mà người đàn ông tên Tý ở xã Hòa Sơn nhờ bà Ngọc giới thiệu người đi xuất khẩu may ở Nga cách đây hai năm chỉ có mức giá 26 triệu đồng. Bà Ngọc khẳng định đây là đường dây nằm ngoài luồng kiểm soát, vì giấy tờ không hợp lệ nên bà đã không nhận lời giới thiệu. Tuy nhiên, đường dây này đến nay vẫn đang hoạt động tự phát, thu hút đông đảo lao động nông thôn.
Ngoài xuất khẩu may, những đường dây môi giới ngoài luồng, đưa người đi sang Nga làm xây dựng cũng hình thành tự phát với số lượng ngày càng nhiều. Những đường dây này tập trung chủ yếu ở xã Hòa Sơn, Quang Sơn (huyện Đô Lương); xã Bảo Thành, Hoa Thành (huyện Yên Thành).
Ông Thái Đình Lộc, cán bộ chính sách xã Hòa Sơn (huyện Đô Lương) cho biết, nhu cầu tuyển dụng người đi xuất khẩu lao động sang Nga ở xã Hòa Sơn chiếm tỷ lệ rất cao. Tính đến thời điểm hiện tại đã có hơn 5.000 lượt người sang làm việc tại nước này. Hầu hết họ đi theo các đường dây tư nhân, tức là đi du lịch. Về sau những lao động đi xuất khẩu có thâm niên, họ trở về lại hình thành thêm các đường dây môi giới riêng, trở thành ông chủ đưa người xuất khẩu bất hợp pháp.
Tại Hà Tĩnh, tình trạng đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép ở thị trường Thái Lan cũng đang nở rộ. Đa phần là những đường dây tự phát, đua nhau đi xuất khẩu. “Chỉ cần bỏ ra từ 7-9 triệu đồng, bất cứ ai là thanh niên, đàn ông, phụ nữ đều có thể đi sang Thái làm các nghành nghề như làm gỗ, may mặc. Thu nhập ở Thái Lan tuy không cao bằng các thị trường lớn như Hàn Quốc, Đài Loan… nhưng bình quân mỗi tháng một lao động cũng kiếm được 7 -10 triệu đồng. Có thể khẳng định đấy là mức thu nhập béo bở, mà không đòi hỏi trình độ nhận thức nên luôn thu hút được đông người dân kéo nhau sang Thái Lan làm ăn,” anh Thái Hữu Toàn, một người dân ở xã Sơn Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) chia sẻ.
Đua nhau đi xuất cảnh “chui”
Tình trạng xuất khẩu lao động trái phép ở huyện Yên Thành (Nghệ An) cũng đang có dấu hiệu tăng cao. Ông Phạm Xuân Tuyết, Trưởng phòng Lao động-Xã hội huyện Yên Thành cho biết, huyện này có 18 vạn dân thì có tới 13,5 vạn người đi xuất khẩu lao động.
Trong đó số lao động xuất khẩu lao động trái phép hàng năm chiếm 30% (từ 200-300 lao động). Số lao động trái phép này chủ yếu tập trung ở thị trường Nga, trong đó các xã như Bảo Thành, Sơn Thành, Mỹ Thành, Hoa Thành là những địa phương chiếm 80% lao động đi theo các đường dây bất hợp pháp. Lao động chính thống chiếm 70%, chủ yếu ở các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Malayxia.
Cũng theo ông Tuyết thì số lao động đi theo “đường dây chui” xuất hiện ngày một nhiều. Từ các đường dây tư nhân ban đầu, những người lao động thâm niên trở về lại trở thành những ông chủ, hình thành thêm những đường dây mới đưa người đi xuất khẩu lao động trái phép.
Anh Phan Văn Mai, một lao động có thâm niên làm việc tại Nga ở xã Bảo Thành, huyện Yên Thành chia sẻ, tính bình quân mỗi tháng, anh em làm xây dựng tại Nga cũng kiếm được từ 800-1.000 USD. Mỗi năm, trừ 3 tháng lạnh phải nghỉ làm, anh em cũng gửi về cho gia đình được từ 7.000-8.000 USD. Có tiền xây nhà mới, mua sắm nội thất và có vốn gửi ngân hàng.
Nhận thấy, đây là những thị trường có khả năng mang lại nguồn thu nhập “khủng” so với mức thu nhập “bèo bọt” ở nhiều vùng quê nông thôn, nhiều học sinh chưa tốt nghiệp trung học cơ sở cũng quyết định “gác bút,” cùng người thân đi xuất khẩu lao động sang Nga qua các đường dây bất hợp pháp. Đặc biệt, một số cán bộ thôn, xã, thậm chí thầy giáo vì lương thấp cũng bỏ nghề để đi xuất khẩu lao động trái phép với hi vọng đổi đời.
Ông Lộc lý giải, xuất khẩu lao động chính thống phải cần nguồn vốn cao. Trong khi đó, đời sống người dân nông thôn lại rất khó khăn, đi theo những đường dây tư nhân sang Nga giá lại rất rẻ, bình quân chỉ cần bỏ vốn từ 42-45 triệu đồng/người; những người đi xuất khẩu lao động theo những đường dây trái phép sang Nga, tuy họ phải sống cảnh chui lủi, nhưng tính ra một ngày làm việc ở Nga họ cũng kiếm được 1 triệu đồng. Đây cũng là lý do khiến rất nhiều người dân “mơ” đặt chân sang Nga, dù rằng nguy hiểm và rủi ro rất cao. Cứ thế, người này kéo người nọ, người thân kéo người thân cùng đi xuất khẩu./.