Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định: 42 lao động VN bị mắc kẹt tại Malaysia vẫn an toàn
Chiều 19.3, phóng viên Lao Động đã có cuộc trao đổi với ông Đào Công Hải – Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) về vụ việc 42 lao động VN mắc kẹt tại Malaysia.
Ông Hải khẳng định, những lao động VN sang làm việc tại Malaysia theo đường chính thống và hợp pháp. Tất cả số lao động này vẫn khỏe mạnh và có nhu cầu ở lại làm việc. Trong thời gian chờ việc, số lao động này vẫn được nhận mức lương cơ bản là 500 ringgit/tháng.
Theo ông Hải thì trước việc một số cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin 42 nữ lao động VN kêu cứu, Cục QLLĐNN đã có thông tin từ Ban Quản lý lao động VN (BQLLĐVN) tại Malaysia để làm sáng tỏ vấn đề. Cụ thể, số lao động này sang Malaysia theo hợp đồng do Cty cổ phần Việt Hà – Hà Tĩnh (VIHATICO) tổ chức. Việc đưa số lao động này đi hoàn toàn hợp pháp với công việc là sang làm dịch vụ (lau chùi, dọn dẹp) tại các bệnh viện ở bang Pinang, Malaysia.
Xe của nhà chức trách Malaysia đón các nữ lao động Việt Nam về nơi tạm trú. Ảnh: The Star |
Cơ quan này cũng xác định chủ sử dụng lao động là Cty Asmana Sdn Bhd; phía đơn vị môi giới tại Malaysia là Cty Houseproud Asia. Bắt đầu từ tháng 6.2010, các đơn vị đã đưa được 72 lao động VN sang làm việc tại Malaysia. Sau 3 tháng thì 3 lao động phải về nước trước thời hạn vì sức khỏe không đảm bảo và hiện còn 69 lao động làm việc.
Vì Malaysia cấp visa 1 năm 1 lần, nên đến tháng 8.2011, số lao động trên hết hạn visa. Sau khi kiểm tra, Cty Asmana chỉ lấy hộ chiếu đặc biệt chứ không làm visa cho số lao động này. Ngày 8.2 vừa qua, số lao động VN này bị cơ quan địa phương tạm giữ vì quá hạn visa. Ngày 14.2, cơ quan quản lý đã thông báo tới Cty Asmana yêu cầu nhanh chóng làm visa cho số lao động này và đưa khỏi nơi tạm giữ. Cty Asmana đã nộp phạt, bảo lãnh lao động và đưa từng nhóm đi khám sức khỏe để gia hạn visa. Trong thời gian đó, nhà thầu chính là Faber đã chính thức chấm dứt hợp đồng lao động.
Người lao động Việt Nam trên đường về nơi tạm trú. Ảnh: The Star |
Cũng trong thời gian này, Cty Asmana tạm thanh toán tiền lương cơ bản cho số lao động VN là 500 ringgit (khoảng 3.400.000 đồng). Trong số 69 lao động này thì có 26 người có ý nguyện muốn về nước, số còn lại muốn ở lại làm việc.
Trước sự việc này, Đại sứ quán VN tại Malaysia đã trực tiếp làm việc với DN, yêu cầu có biện pháp giải quyết, tiếp tục hợp đồng lao động với những người muốn ở lại. Nếu lao động nào có nguyện vọng về nước, Cty sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện. Những lao động ở lại sẽ được bố trí làm việc với điều kiện cơ quan nhập cư phải cấp giấy phép để lao động VN ở lại làm việc hợp pháp. Trong thời gian này, Cty Faber vẫn trả lương, và sắp xếp chỗ ở tại ký túc xá cho những người ở lại. Chiều 19.3, đại diện Cục QLLĐNN cho biết đã có 42 lao động VN ở lại và được Cty EMS làm thủ tục nhận vào làm việc.
Nguyên nhân lao động VN bị tạm giữ vì visa hết hạn là do Cty Asmana vẫn chưa đóng khoản tiền cần thiết theo quy định và làm thủ tục gia hạn visa. Thay vì đó, Cty Asmana chỉ làm giấy lưu trú đặc biệt cho NLĐ. Do Chính phủ Malaysia đang triển khai chương trình hợp pháp hóa, ân xá cho lao động nước ngoài làm việc bất hợp pháp tại Malaysia (chương trình 6P) rất nghiêm ngặt; trong khi đó Cty Asmana lại có những rắc rối về giấy phép nên nhà thầu chính của Cty Asmana là Cty Faber đã quyết định chấm dứt hợp đồng sử dụng lao động dịch vụ tại các bệnh viện với Cty Asmana để chuyển qua DN khác.
Ban QLLĐVN Malaysia ngày 19.3 cho biết, Cty Asmana đã đưa lao động về khu ký túc xá, tạo điều kiện ăn ở tốt nhất và đã đưa toàn bộ lao động đi khám sức khỏe. Đồng thời Cục QLLĐNN đã yêu cầu Cty Việt Hà cử cán bộ sang để làm rõ trách nhiệm và quyền lợi cho người lao động. Theo báo cáo của BQLLĐ VN tại Malaysia thì đây là nơi có điều kiện làm việc tốt, ăn ở tốt. Hiện chỉ có vướng mắc nhỏ là thủ tục của cơ quan nhập cư.
Trong thời gian các bên đang giải quyết vấn đề về công việc và tiếp tục gia hạn visa cho người lao động thì một số cơ quan truyền thông của địa phương đã đưa những thông tin thất thiệt, không đúng với thực tế và chưa chính xác. Trách nhiệm của Cty Asmana là làm việc với Faber, sau khi khám sức khỏe, có visa, các LĐ lại trở lại làm việc bình thường. Phải tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện sinh hoạt cho NLĐ và trong thời gian chờ đợi vẫn được nhận mức lương cơ bản là 500 ringgit/tháng.
Bộ Ngoại giao VN: Cần đảm bảo quyền lợi của NLĐ. Ngày 19.3, Bộ Ngoại giao VN đã có ý kiến chính thức về vấn đề này. Theo đó, ngay sau khi nhận được thông tin có 42 lao động VN được chuyển về Trung tâm Bảo trợ tại Kuala Lumpur, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán VN tại Malaysia khẩn trương làm việc với cơ quan chức năng sở tại và DN để sớm có biện pháp đưa NLĐ có nguyện vọng về nước, đồng thời hoàn tất thủ tục cho những lao động có mong muốn tiếp tục ở lại làm việc với mục tiêu đảm bảo đầy đủ quyền lợi của những lao động này. Đại sứ quán VN tại Malaysia sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại để có các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết đối với số lao động trên. U.M (Theo Cục QLLĐNN) |
Đặng