Xử lý nghiêm DN xuất khẩu lao động hoạt động kém hiệu quả

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đặt mục tiêu từ năm 2017-2020, sẽ đưa được từ 100.000-120.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, trong đó có khoảng 80% lao động được đào tạo.

Số liệu thống kê của Bộ LĐ-TB-XH cho biết, trong 3 năm 2014 -2016, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài đạt gần 350.000 người. Riêng trong năm 2016 có hơn 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó Đài Loan trên 68.000 lao động, Nhật Bản gần 40.000, Hàn Quốc trên 8.000 và Ả Rập Saudi có trên 4.000 lao động.

Tính đến hết tháng 12-2016, toàn quốc có 277 doanh nghiệp (DN) có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với sự đầu tư bài bản, nhiều DN đã đưa được số lượng lớn lao động đi làm việc ở nước ngoài, từ năm 2010 đến nay trung bình mỗi năm có khoảng 20 DN đưa được trên 1.000 lao động ra nước ngoài làm việc.

thoho-1494918171603

Bộ LĐ-TB-XH đặt mục tiêu 80% lao động đi xuất khẩu lao động được đào tạo

Để đảm bảo mục tiêu trên, đại diện Bộ LĐ-TB-XH cho biết, Bộ sẽ sẽ xây dựng những quy định, điều kiện chặt chẽ hơn để chỉ những DN thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Đặc biệt, Luật Người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài sẽ được sửa đổi theo hướng quy định cấp giấy phép có thời hạn 3-5 năm. Hết thời hạn đó DN không đáp ứng đủ yêu cầu sẽ không được cấp lại giấy phép…

Bộ LĐ-TB-XH cũng sẽ xử lý nghiêm các DN dịch vụ có vi phạm quy định của pháp luật và các DN hoạt động kém hiệu quả. Trong năm 2017, các cuộc thanh tra chuyên đề sẽ tập trung vào việc tổ chức bộ máy hoạt động của DN, công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết và công tác thu phí.

Theo khẳng định của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung: “Chủ trương tạo điều kiện để mở rộng và phát triển DN không hạn chế. Tuy nhiên, trong quá trình cấp giấy phép sẽ xem xét kỹ các điều kiện cần và đảm bảo thì mới cấp giấy phép, không chạy theo số lượng”.

Bộ LĐ-TB-XH sẽ có phương án nhằm nâng cao chất lượng, cũng như trách nhiệm ràng buộc của người lao động. Nâng cao ý thức chấp hành quy định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài để người lao động về nước sau khi kết thúc hợp đồng với người sử dụng lao động, không ở lại làm việc bất hợp pháp….

( Theo báo Người lao động: http://nld.com.vn/cong-doan/xu-ly-nghiem-dn-xuat-khau-lao-dong-hoat-dong-kem-hieu-qua-20170516140713057.htm )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *