Tin xuất khẩu lao động

Gần 600 lao động xuất khẩu có thu nhập ổn định

 

Ngày 18.12, Sở LĐ-TB-XH Kon Tum cho biết từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh đã đưa 597 lao động đi làm việc có thời hạn tại Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật… với công việc phù hợp và thu nhập ổn định.

Mức thu nhập của mỗi lao động xuất khẩu, sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân khoảng 5-10 triệu đồng/người/tháng.

Kết quả lớn hơn là sau khi xuất khẩu lao động về nước, người lao động (nhất là người dân tộc thiểu số) tích lũy được nhiều kinh nghiệm, bổ sung vào lực lượng lao động có kỹ thuật của tỉnh và cả nước.

 Lừa đảo xuất khẩu lao động

Ngày 15.12, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) cho biết vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Tô Quang Long (42 tuổi, quê Hải Dương) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo điều tra, tháng 10.2012, Long cùng một phụ nữ (chưa rõ danh tính) đến các khu nhà trọ ở TP.Biên Hòa, tìm những người không có việc làm để lừa làm hồ sơ xuất khẩu lao động sang Ba Lan nhằm chiếm đoạt tiền. Long đã lừa được 3 người, lấy 3.000 USD và hơn 40 triệu đồng rồi bỏ trốn cho đến ngày bị bắt.

 

Chỉ 1/3 doanh nghiệp xuất khẩu lao động hoạt động hiệu quả

Số liệu từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) cho biết, hiện cả nước có 171 doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng chỉ có khoảng 128 doanh nghiệp đang hoạt động.

Trong số đó, 18 doanh nghiệp xác định hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài là hoạt động kinh doanh chính, còn lại là các doanh nghiệp kinh doanh đa ngành. Và chỉ có 1/3 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.

Cũng theo số liệu của Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong tổng số doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực này, chỉ có 10 doanh nghiệp đưa được từ 700 đến 1.000 lao động, 15 doanh nghiệp đưa được từ 500 đến 700 lao động, khoảng 16 doanh nghiệp đưa được từ 300 đến 500 lao động. Đáng chú ý, có đến 45 doanh nghiệp chưa đưa được lao động nào trong suốt năm qua.

Trao đổi với VnEconomy, ông Nguyễn Quốc Hán, Phó tổng giám đốc Công ty Thương mại và Dịch vụ Vĩnh Cát, cho biết, năm 2012 là một năm cực kỳ khó khăn đối với doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Các thị trường tiếp nhận lao động nước ngoài gần như bị thu hẹp. Trong khi đó, trong nước, lao động cũng không còn thiết tha với việc đi làm việc ở nước ngoài.

“Các doanh nghiệp phải chuyển hướng kinh doanh sang một lĩnh vực khác, hoặc kinh doanh đa ngành là tất yếu. Bởi, xuất khẩu lao động vào thời điểm này, doanh nghiệp giỏi thì cũng chỉ có thể cầm hơi. Bản thân doanh nghiệp tôi cũng phải chuyển hướng đầu tư vào xuất khẩu nông sản”, ông Hán nói.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *