Nộp tiền 5 năm chưa được xuất khẩu lao động

39 người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở xã Thủy Phù (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên – Huế) đang sống trong âu lo, vì chưa nhận lại được số tiền hơn 1,7 tỉ đồng đã nộp cho một công ty xuất khẩu lao động.

Trong khi nợ ngân hàng và tiền lãi vẫn tăng lên từng ngày

Gia đình người nhà chờ đi xuất khẩu lao động

Theo thư kêu cứu của các hộ dân ở xã Thủy Phù, từ tháng 9-2007, Công ty cổ phần Hợp tác lao động nước ngoài (LOD) văn phòng đại diện tại Huế liên kết với Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây (chi nhánh Hà Nội) đến xã này để tuyển dụng lao động tại Cộng hòa Czech. Đã có 39 lao động trúng tuyển và được thông báo phải đóng số tiền tạm ứng 16 triệu đồng/người để công ty lo thủ tục xuất cảnh. Sau đó, hai công ty báo lại thị trường lao động là Slovakia chứ không phải Cộng hòa Czech và yêu cầu mỗi lao động phải đóng thêm 30 triệu đồng để lấy visa và đặt vé xuất cảnh. Đa số là dân nghèo không có tiền nên đại diện Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây đã gửi văn bản đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hương Thủy lúc bấy giờ cho số người này vay và được chấp nhận.

Nộp tiền xong nhưng 39 người lao động chờ đợi mãi vẫn không nhận được kết quả gì. Nhiều người dân đã tìm đến đại diện Công ty LOD tại Huế để hỏi nhưng vẫn không có câu trả lời. “Tưởng là thoát nghèo ai ngờ mang thêm nợ, không biết lấy đâu ra 46 triệu để trả cho ngân hàng đây” – ông Hồ Mãi (ở thôn 8A, xã Thủy Phù) nói trong nước mắt. Bi kịch hơn, con trai ông là Hồ Tuần, người nộp tiền để đi xuất khẩu lao động, đã chết năm 2010 vì bệnh ung thư. Còn anh Ngô Viết Minh, ở thôn 6, xã Thủy Phù, cho biết phải đi làm phụ thợ hồ nhưng vẫn không thể trả hết món nợ ngân hàng.

Trả lời Tuổi Trẻ, Công ty LOD (có trụ sở tại Hà Nội) cho biết trong quá trình hoạt động của văn phòng đại diện LOD tại Huế, cá nhân ông Lê Minh Toàn – trưởng văn phòng đại diện – đã thực hiện vượt quá phạm vi, chức năng, nhiệm vụ do công ty giao nên phải chịu trách nhiệm trước cơ quan pháp luật. Công ty LOD cũng khẳng định rằng không hề nhận và giữ số tiền của người lao động nộp, mà toàn bộ số tiền này do Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây (chi nhánh Hà Nội) thu giữ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Phước, trưởng phòng việc làm và an toàn lao động Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế, cho biết sau khi nhận được đơn thư phản ảnh của người dân, sở đã mời đại diện Công ty LOD và Công ty Du lịch Hà Tây (chi nhánh Hà Nội) đến để làm rõ vấn đề, thế nhưng không ai đến. Đến tháng 7-2009, Công ty LOD chính thức đóng cửa văn phòng đại diện tại Huế và bà Trần Thị Thanh Phương, giám đốc Công ty Du lịch Hà Tây (chi nhánh Hà Nội), đã có văn bản gửi Sở LĐ-TB&XH hứa sẽ giải quyết dứt điểm trước ngày 20-9-2010 song vẫn không thấy thực hiện. Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người lao động, Sở LĐ-TB&XH Thừa Thiên – Huế đã có công văn đề nghị Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế điều tra, đồng thời chuyển toàn bộ hồ sơ sang công an.

Ông Trần Văn Sung, đội phó đội điều tra án kinh tế (thuộc PC46 Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế), cho biết hợp đồng đi xuất khẩu lao động giữa người lao động xã Thủy Phù và chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây là một quan hệ dân sự nên không thể truy cứu hình sự. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, Công an tỉnh đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch Hà Tây (cụ thể là bà Trần Thị Thanh Phương) trả lại tiền đã thu của người lao động. Dù đã nhiều lần cam kết thanh toán tiền cho người dân nhưng đến nay công ty này vẫn chưa thực hiện. Vì vậy sắp tới, Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế sẽ mời người dân lên để hướng dẫn họ làm thủ tục khởi kiện ra tòa dân sự.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *