Khởi tố vụ án đưa người đi xuất khẩu trái phép tại Liên bang Nga

Đây là vụ việc rất nghiêm trọng ,về việc đưa người đi xuất khẩu lao động liên quan đến nước ngoài và nạn nhân là hàng trăm người lao động Việt Nam bị xâm phạm về thân thể và nhân phẩm. Như những người lao động được giải cứu trở về cho biết, họ đã bị đối xử khổ cực chưa từng thấy.

Từ lá đơn kêu cứu của hơn trăm người lao động tại LB Nga

Người đầu tiên trở về nước, trở thành nhân chứng sống, đồng thời mang theo lá đơn kêu cứu của gần trăm người lao động tại LB Nga là chị Nguyễn Duy Thanh Nhân, trú tại phường Bùi Tự Toàn, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Ngày 3/5/2012, thông qua Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thanh Hiền do ông Lương Đức Thái làm Giám đốc, chị Nhân đã nộp 12 triệu đồng để được xuất khẩu lao động sang Nga.

 

XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG NGA

Đón nhận lao động từ  liên bang nga trở về

Theo hợp đồng lao động ký tại Việt Nam giữa chị Nhân với Công ty Vinastar có địa chỉ tại Matxcova, LB Nga thì chị Nhân sẽ được làm nghề may, mức lương thu nhập trung bình 700 USD/tháng, thời hạn lao động 3 năm. Phía Công ty Vinastar sẽ lo ăn ở và chịu trách nhiệm lo kinh phí, thủ tục để người lao động sang Nga làm việc, người lao động hưởng theo chế độ quy định pháp luật của ViệtNamvà pháp luật Nga.

Thế nhưng, khi lên máy bay, chị Nhân mới biết Visa xuất cảnh sang LB Nga của chị là thăm thân với thời hạn 48 ngày. Sang đến LB Nga, các đối tượng đã thu hộ chiếu và yêu cầu chị Nhân ký lại hợp đồng lao động với nội dung không đúng với hợp đồng đã ký tại ViệtNam. Không ép buộc được chị Nhân ký lại hợp đồng, Công ty Vinastar lại quay sang bắt chị phải hoàn lại số tiền chi phí sang Nga là 2.500 USD và tiền vé máy bay về nước.

Do tận mắt chứng kiến cảnh người lao động bị bóc lột, đối xử như tù nhân nên chị Nhân quyết liệt yêu cầu Công ty Vinastar phải đưa chị về nước vô điều kiện vì chính công ty không thực hiện đúng hợp đồng đã ký ở Việt Nam. Ngày 23/5, trước sự quyết liệt của chị Nhân và sự bảo vệ chị Nhân của những người lao động khác, Công ty Vinastar đã phải làm thủ tục cho chị Nhân về nước.

Về đến Việt Nam, điều đầu tiên mà chị Nhân làm là đem đơn kêu cứu của 105 người lao động đang làm việc tại Công ty Vinastar ở LB Nga đến các cơ quan chức năng (Cục Quản lý lao động ngoài nước, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao…) để giải cứu người lao động và gửi lên Bộ Công an tố cáo hành vi của một số tổ chức, cá nhân trong nước đã môi giới, tuyển dụng đưa người sang LB Nga cho Công ty Vinastar bóc lột lao động.

Sau khi nhận đơn, từ ngày 11/8 đến nay, cơ quan CSĐT (C45) Bộ Công an đã phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam và các cơ quan chức năng  tại LB Nga tổ chức đưa được 81 người lao động từ LB Nga trở về nước. Ngay sau khi về đến sân bay Nội Bài, các lao động đã đến Cục C45 để tố cáo…

Cuộc sống khổ cực của người lao động “chui”

Khi về đến Việt Nam, thậm chí cả những lao động là đàn ông cũng bật khóc khi kể về những ngày tháng bị lao động “khổ sai”, đối xử thậm tệ nơi đất khách. Giống như chị Nguyễn Duy Thanh Nhân, tại Việt Nam, tất cả người lao động đều được ký hợp đồng rất “hậu hĩnh” từ Công ty Vinastar, sau đó phải chi trả cho cá nhân hoặc công ty môi giới từ 10 đến 30 triệu đồng để được một suất đi.

Thế nhưng, sang đến nơi, họ bị thu hết hộ chiếu, trở thành lao động “chui” bởi đi ra ngoài sẽ bị Cảnh sát Nga bắt giữ ngay vì không có giấy tờ tùy thân. Hàng ngày, người lao động phải làm quần quật trong các xưởng may từ 12 – 18 tiếng đồng hồ trong sự canh chừng chặt chẽ của lực lượng bảo vệ. Có những hôm mất điện, người lao động muốn ra ngoài đi vệ sinh cũng phải có bảo vệ đi kèm. Ai dám bỏ trốn, bảo vệ bắt lại thì sẽ bị đánh tơi bời.

Theo chị Kim Tài, quê ở Khánh Hòa cho biết, tất cả đều bị bệnh da liễu do điều kiện sinh hoạt quá tồi tàn, không có nước tắm rửa, giặt giũ, bởi mỗi tuần, người lao động chỉ được nhận 1 bình khoảng 9 lít nước để sinh hoạt. Mức lương mà Công ty Vinastar bắt người lao động ký lại khi sang LB Nga là 500 USD/tháng, nhưng bị trừ rất nhiều chi phí.

Theo chị Kim Loan, quê ở Phú Yên cho biết, tiền ăn 1 tháng người lao động bị công ty trừ là 4,5 triệu đồng Việt Nam nhưng chỉ có bữa sáng và bữa tối với toàn thịt gà và rau cải bắp úa vàng. Đói quá, mọi người mua thêm mì tôm thì phải chấp nhận giá 500 ngàn đồng/thùng. Ngoài ra, công ty còn trừ tiền lương của người lao động vào khoản 2.500 USD chi phí đi sang, 1.400 USD tiền đóng khẩu (nhưng sự thực, công ty không hề đóng khẩu cho người lao động, trong một đợt Cơ quan di trú của LB Nga kiểm tra xưởng may của công ty Vinastar đã bắt giữ được 20 người lao động Việt Nam không có hộ chiếu và đăng ký khẩu)… Rồi còn các khoản phạt do công ty tự đặt ra đối với người lao động nếu vi phạm những quy định quá khắt khe của công ty.

Chính vì thế, có người lao động quần quật hàng năm trời mà tiền lương vẫn bị âm, có người hết hợp đồng 3 năm chỉ nhận được vẻn vẹn 700 ngàn đồng….Nếu người lao động nào không chịu nổi, muốn về nước thì phải nộp cho công ty từ 2.500 đến 4.000 USD mới được công ty mua vé máy bay cho về Việt Nam.

Đã phát hiện các đối tượng môi giới thu lời bất chính

Đến nay, căn cứ vào lời khai của 81 người lao động từ LB Nga trở về, cơ quan CSĐT đã xác định họ sang làm việc ở các Công ty Vinastar và Garizon Open tại Matxcơva. Từ năm 2010, Công ty Vinastar đã tuyển hơn 100 người lao động từ Việt Nam sang, trong đó chỉ có 45 người có danh sách đăng ký tại Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Qua điều tra, bước đầu, cơ quan Công an đã xác định được 3 đối tượng, trú tại Việt Nam đã có hành vi đứng ra tuyển dụng và tổ chức cho nhiều người lao động xuất cảnh sang làm việc tại Công ty Vinastar. Đây là các đối tượng dùng bản hợp đồng ký sẵn của Công ty Vinastar để lừa các lao động trong nước có nhu cầu đi Xuất khẩu lao động và yêu cầu họ phải đóng số tiền đặt cọc từ 10 đến 15 triệu đồng/người. Tuy nhiên, các trường hợp mà 3 đối tượng này đưa sang LB Nga lao động đều không có thị thực nhập cảnh vào LB Nga diện lao động. Trong danh sách người lao động do doanh nghiệp xuất khẩu lao động đưa đi làm việc tại Công ty Vinastar cũng không có tên những người đã được 3 đối tượng này đưa sang làm việc.

Trong số lao động trở về, có 10 người lao động được đưa sang làm việc tại Công ty Garizon Open. Công ty này có đến 2 địa chỉ trên cùng một phố tại Matxcova ở LB Nga nhưng không đúng như địa chỉ trong hợp đồng với người lao động. Hiện cơ quan CQĐT cũng đã phát hiện một số đối tượng có hành vi môi giới, tổ chức cho các lao động ViệtNamsang làm việc bất hợp pháp tại Công ty Garizon Open.

Các đối tượng môi giới đều đã thừa nhận có nhận tiền đặt cọc, gọi là tiền “thu lời bất chính” của người lao động, sau đó tổ chức đưa họ sang lao động bất hợp pháp ở LB Nga. Sau khi đưa người lao động ra nước ngoài, các đối tượng được hưởng lợi đã bỏ mặc người lao động bị cưỡng ép làm việc mà không được nhận lương để nhằm mục đích bóc lột sức lao động, cưỡng đoạt tài sản. Được biết, hiện cơ quan CSĐT đang thu thập tài liệu để xử lý hành vi của các đối tượng này theo đúng quy định của luật pháp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *