Philippines “xuất khẩu lao động” hàng chục ngàn nghệ sĩ

Hiện có khoảng gần 9 triệu người Philippines xuất khẩu lao động (chiếm 10% dân số) đang phải làm việc ở nước ngoài bởi họ có rất ít cơ hội tìm được việc làm ở trong nước. Trong số đó, có hàng chục ngàn là ca sĩ và nhạc sĩ. 

Từ những quán bar trong các khách sạn sang trọng ở Trung Đông tới các sòng bạc ở Las Vegas (Mỹ), các câu lạc bộ ở châu Á và trên những chiếc tàu thủy vượt biển tới Caribbean, đâu đâu người ta cũng thấy có các nghệ sĩ Philippines được xuất khẩu lao động sang. Họ có thể cover hoàn hảo các nhạc phẩm nổi tiếng quốc tế thuộc bất cứ dòng nhạc nào.

Tìm cơ hội đổi đời

Trong một studio nhạc ở Manila, thủ đô Philippines, một người mẹ đơn thân có tên là Joanna Talibong (21 tuổi) cố gắng trình diễn với hy vọng giành cơ hội “đổi đời”.

Nếu phần trình diễn của cô và người bạn chơi đàn phím là Jason Panggoy được chấp thuận, họ sẽ giành được một serie hợp đồng trình diễn ở Hàn Quốc và nhờ vậy mà họ có thể bắt đầu một hành trình dài xua tan được cảnh nghèo.

“Tôi chưa tốt nghiệp đại học, vì vậy tôi không có nhiều lựa chọn công việc… Được đi xuất khẩu lao động sang nước ngoài, tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn” – Talibong nói.

 

Philippines “xuất khẩu lao động” hàng chục ngàn nghệ sĩ
Philippines “xuất khẩu lao động” hàng chục ngàn nghệ sĩ

 

 

Talibong đã liều lĩnh tham gia phần tuyển chọn này, nếu không cô buộc phải trở lại một quán bar ở một thành phố nhỏ thuộc miền Bắc Philippines, nơi trong suốt 3 tháng qua cô và Panggoy thường trình diễn trước những người buôn thuốc lá và người chào hàng với cát-sê chỉ 3 đô la rưỡi một đêm.

Cuộc sống khó khăn như vậy, Talibong còn phải nuôi cậu con trai 9 tháng tuổi bị dị tật bẩm sinh ở chân. Cậu bé đang sống cùng ông bà ngoại, trong khi cô đang theo đuổi con đường âm nhạc của mình.

Wilma Ipil, người quản lý của Talibong đã “xếp hàng” đặt chỗ trình diễn 6 tháng cho cô và Panggoy tại các quán bar ở Hàn Quốc với thù lao là 800 USD/tháng. Kiếm được những đồng tiền đầu tiên ở hải ngoại, Talibong biết rõ mình cần phải dành khoản tiền đó để mổ chân cho con trai. “Đó là mục tiêu của tôi. Đó chính là động cơ khiến tôi phải làm việc thật siêng năng” – Talibong giãi bày.

Tuy nhiên, bản demo đầu tiên của Talibong và Panggoy, gồm cả ca khúc của Taylor Swift và Matchbox 20, phải “lọt tai” được một hội đồng phê bình âm nhạc ở Seoul và quá trình đó phải mất hàng tháng trời.

Cạnh tranh với chính mình 

Bà Ipil thừa nhận, bộ đôi này khó giành được hợp đồng trình diễn khi họ phải đối diện với sự cạnh tranh khốc liệt của các tài năng Philippines khác ở hải ngoại. Bà Ipil từng hát ở Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Hong Kong và Thái Lan trước khi trở thành nhà quản lý.

“Trước đây, kể cả những ca sĩ chưa có trải nghiệm cũng được thuê. Nhưng giờ đây, tài năng có mặt ở khắp nơi nên các nhà tổ chức phải cân nhắc kỹ lưỡng hơn” – Ipil cho biết.

Song theo Jackson Gan, phụ trách studio nhạc nơi Talibong thu âm bản demo, thì nhu cầu cho các nghệ sĩ Philippines ở hải ngoại rất lớn. “Chỉ có các nghệ sĩ Philippines đi xuất khẩu lao động cạnh tranh nhau. Cả thế giới đều biết, thuê nghệ sĩ Philippines không mất nhiều tiền mà vẫn tìm được các giọng ca chất lượng” – Jackson Gan nói và ước tính hiện có khoảng 25.000 đến 30.000 nghệ sĩ Philippines đang chơi ở 3.000 câu lạc bộ, khách sạn, du thuyền các quán ăn khắp thế giới. Mức lương của họ khoảng 800 USD đến 1.500 USD/tháng. Nhiều ban nhạc Malaysia, Indonesia, Australia và Trung Quốc cũng đang có xu hướng tuyển nghệ sĩ Philippines làm ca sĩ chính.

Theo ông Gan, hầu hết các nghệ sĩ Philippines đều không làm ăn lâu dài được ở hải ngoại, đặc biệt là các nữ ca sĩ chính. Họ thường phải trở về nhà giữa chừng do sinh con hoặc vì những lý do gia đình khác.

Vẫn có những thành công  

Mặc dù rất nhiều ca sĩ đi xuất khẩu lao động có thể copy một cách hoàn hảo các ca khúc nổi tiếng nhất thế giới, song rất ít ca sĩ và ban nhạc có thể kiếm được hợp đồng thu âm. Thế nhưng, trong số đó vẫn có nghệ sĩ Philippines gặt hái được thành công khi đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài và những câu chuyện đó vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ cho nhiều người khác.

Điển hình nhất là Arnel Pineda (44 tuổi), người có nhiều năm trình diễn trong các quán bar ở Manila và Hong Kong. Anh tạo bước đột phá vào năm 2007 khi các thành viên của nhóm nhạc rock Mỹ Journey tìm kiếm một ca sĩ chính mới và họ đã xem các clip anh thể hiện các nhạc phẩm của họ trên YouTube.

Ngay sau đó, Pineda đã được mời thử giọng ở Mỹ và album đầu tiên của anh thực hiện cùng ban nhạc Journay đã lọt vào Top 10 bảng xếp hạng Billboard.

Hiện nay, Pineda và Journey vẫn tiếp tục thực hiện các buổi hòa nhạc luôn bán hết vé trên khắp thế giới.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *