Điều bất ngờ ở thị trường nghèo nhất thế giới này là người lao động có mức thu nhập không thua thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản với mức 400-1.000 USD/tháng.
Không ngặt nghèo như thị trường lao động Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản nhưng ở thị trường này, điều nên cân nhắc là những rủi ro có thể gặp phải dù thu nhập khá tốt.
Ông Nguyễn Quốc Ngọc, cán bộ Công ty xuất khẩu lao động Vinaconex mex, cho biết hiện có 100 lao động của công ty đang làm việc trên công trường xây dựng ở Algeria. Đây là số lao động trong tổng số 700 người mà Vinaconex mex cung cấp cho nhà thầu Nhật Bản khi nhà thầu này trúng thầu tại Algeria.
Lao động mà công ty cung cấp cho nhà thầu gồm lao động phổ thông và đốc công, kỹ sư trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông. “Công việc xây dựng tuy hơi nặng nhọc nhưng bù lại lao động có thu nhập khá cao, lao động phổ thông làm 10 giờ/ngày có thể đạt mức 400-800 USD/tháng/người, riêng đốc công, kỹ sư có thể từ 1.000 USD/tháng trở lên” – ông Ngọc cho biết. Ngoài ra các chế độ như bảo hiểm xã hội, ăn ở, đi lại đều được nhà thầu lo trọn gói, khi về nước còn được cung cấp vé máy bay. Chi phí của lao động để làm các thủ tục khoảng 1.000 USD/người.
Còn Công ty Cavico CMS cho biết lúc cao điểm công ty đã đưa khoảng 600 lao động sang Algeria làm việc khi họ trúng thầu công trình xây dựng đường hầm. Mức thu nhập của công nhân lao động tại công trình này đạt 8-12 triệu đồng/người, đốc công và kỹ sư 15-40 triệu đồng/người/tháng tùy từng công việc và vị trí. Ông Phạm Thanh Tùng, nhân viên Cavico, cho biết lao động sang làm việc ở các gói thầu của công ty không phải thêm khoản chi phí nào, các chế độ phúc lợi đều được bảo đảm bằng hợp đồng lao động giữa hai bên.
Bất ngờ nhất là thị trường Angola: tại đây ở thời điểm này có khoảng 30.000-40.000 lao động Việt Nam đang làm việc trên các công trường xây dựng. Nhiều lao động ở xã Hải Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) và xã Kỳ Bắc, Kỳ Phong (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết họ từng làm việc ở Angola với mức thu nhập 800-1.000 USD/tháng.
Điều này được ông Lê Thanh Hà, phó tổng giám đốc Cienco 1 (Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1), xác nhận: “Tôi đã vài lần sang Angola tìm đối tác và nghiên cứu thị trường này để tổ chức hợp tác đưa lao động qua đây. Hiện cộng đồng người Việt tại đây có khoảng 40.000 lao động đang làm việc trong lĩnh vực xây dựng. Thu nhập mà chúng tôi khảo sát dao động từ 800 USD (cho lao động phổ thông) và trên 1.000 USD/tháng với các vị trí công việc như đốc công, kỹ sư. Sở dĩ họ có thu nhập cao như vậy là nhờ công việc được giao khoán, họ làm nhanh, làm nhiều để có thu nhập càng cao”.
Coi chừng rủi ro
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, xác nhận có lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước trên. Tuy nhiên, chỉ ở Algeria là có những đơn hàng chính thống của các đơn vị trúng thầu đưa lao động qua theo công trình, hoặc cung cấp lao động cho các nhà thầu nước thứ ba trúng thầu. Còn Angola chưa có doanh nghiệp nào khai thác, lao động chủ yếu đi theo đường cá nhân. Algeria yêu cầu các công ty bỏ thầu dự án được đưa lao động qua làm việc hoặc cung cấp lao động cho nhà thầu nước thứ ba. Hiện Algeria chưa ký hiệp định tiếp nhận lao động theo đường xuất khẩu lao động với Việt Nam.
Với Angola, một cán bộ Cienco 1 cho biết hiện rất khó tổ chức để đưa lao động tới quốc gia này theo đường chính thống bởi thủ tục làm visa, đặc biệt là “các loại phí không tên” quá cao, khiến doanh nghiệp e dè.
“Một lao động muốn qua Angola làm việc theo đường quan hệ cá nhân tự do hiện nay phải bỏ ra 4.800-5.200 USD để hoàn tất các thủ tục. Nếu doanh nghiệp muốn làm phải thu cao hơn mới có lãi”, vị này cho biết. Vì vậy, đa số lao động ở thị trường này chọn đi theo đường cá nhân vì rẻ hơn. Dĩ nhiên, đi theo diện này lao động sẽ không được bảo đảm các quyền lợi được luật pháp bảo vệ nếu có rủi ro xảy ra.
Môi trường làm việc tại Angola cũng khá nhiều bất ổn. An ninh trật tự không được kiểm soát tốt lắm, lại thêm căn bệnh sốt rét vàng da tại đất nước này (đã có văcxin cho bệnh này) nên người lao động cần phải cân nhắc.
Tuy nhiên, dù có rủi ro và chưa chính thống song lao động các tỉnh miền Trung vẫn đang “săm soi” các thị trường này vì mức thu nhập tốt, lại dễ đi hơn thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.