(Toquoc) – Về dài hạn, Việt Nam vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy chi phí lao động thấp/bẫy tự do hóa thương mại” do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ quy mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng.
Trong khuôn khổ Hội thảo “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với kinh tế và thương mại Việt Nam. Khuyến nghị chính sách thực hiện Chiến lược xuất- nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030” do Dự án Hỗ trợ Thương mại đa biên (Mutrap) tổ chức sáng 10/4, các chuyên gia cho rằng, với chủ trương tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, quan hệ kinh tế của Việt Nam với các nước, các tổ chức quốc tế ngày càng được mở rộng.
Việt Nam hiện là thành viên quan trọng trong khối ASEAN, tích cực thực hiện các cam kết khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), là thành viên tích cực của APEC, ASEM…và đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Chi –lê… Ngoài ra, Việt Nam cũng đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (EPA) và chuẩn bị khởi động đàm phá FTA với EU…
Mặc dù hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và cơ hội phát triển ngày càng nhiều, song khó khăn, thách thức cũng càng lớn. Đặc biệt, kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO và tham gia mạnh mẽ hơn các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã bộc lộ rõ hơn những yếu kém nội tại của nền kinh tế Việt Nam.
Nếu như việc gia nhập WTO, sức ép lớn nhất là về mặt thể chế và dịch vụ thì các hiệp định FTA song phương và khu vực lại gây nhiều sức ép đến thương mại hàng hóa do mức độ cắt giảm thuế nhập khẩu sâu rộng trong hiệp định trong ASEAN và một số hiệp định ASEAN+. Theo đó, có khoảng 90% số dòng thuế sẽ về 0% vào năm 2015, phần lớn trong số còn lại sẽ đưa về 0% vào năm 2018.
Xuất khẩu trong giai đoạn hậu gia nhập WTO chưa mang lại lợi ích đáng kể
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, năm 2011-2015, Việt Nam vẫn được hưởng ưu đãi của ASEAN 6 và ASEAN+, đây là cơ hội song cũng là thách thức bởi đến 2015, Việt Nam cũng phải cam kết giảm thuế và mở cửa thị trường như các đối tác khác trong khối ASEAN. Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ chuẩn bị đối mặt với cạnh tranh bình đẳng sau năm 2015.
Với các FTA, thuế quan giảm mạnh là cơ hội lớn tiếp cận thị trường và xuất khẩu của Việt Nam, nhất là các đối tác thường tự do hóa nhanh hơn hoặc có ưu đãi hơn. Một trong những chỉ số thể hiện lợi ích xuất khẩu của các FTA là tỷ lệ hàng hóa có sử dụng mẫu chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi.
Tuy nhiên, theo Nguyên Bộ trưởng Thương mại – Trương Đình Tuyển, việc tận dụng cơ hội đến đâu còn tùy thuộc vào chính sách thuận lợi hóa thương mại của nước ta và khả năng đáp ứng quy tắc xuất xứ (ROO), quy định liên quan đến hàng rào kỹ thuật, việc liên kết mạng phân phối cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
“Áp lực cạnh tranh sẽ ngày càng gia tăng đối với doanh nghiệp Việt Nam nếu doanh nghiệp không dần vươn lên nhờ tạo dựng lợi thế cạnh tranh động thông qua tiếp nhận/học hỏi công nghệ, kỹ năng quản lý và tận dụng lợi thế nhờ quy mô, liên kết, chất lượng sản phẩm…”, ông Tuyển nhấn mạnh.
Có thể nói, trước khi gia nhập WTO hay tham gia các FTA, Chính phủ cũng như doanh nghiệp Việt Nam thường có tâm lý kỳ vọng vào các tác động của các hiệp định này. Tuy nhiên, theo ông Trương Đình Tuyển, hội nhập chỉ là điều kiện cần, nếu thiếu chuẩn bị, cải cách trong nước thì phần lớn lợi ích lại thuộc về các đối tác thương mại. Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước những cú sốc từ bên ngoài.
Về dài hạn, Việt Nam vẫn có nguy cơ rơi vào “bẫy chi phí lao động thấp/bẫy tự do hóa thương mại” do lợi thế tĩnh sẽ cạn dần trong khi lợi thế cạnh tranh động nhờ quy mô, cạnh tranh và cải thiện công nghệ không được tạo dựng.
Thực tế, xuất khẩu đã trở thành một động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Theo đó, xuất khẩu đã góp phần tạo việc làm cho người lao động và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với những biển đổi của thị trường thế giới. Tuy vậy, xuất khẩu trong giai đoạn hậu gia nhập WTO chưa mang lại lợi ích đáng kể.
Các chuyên gia cho rằng, việc cần làm ngay lúc này là tổ chức lại thị trường xuất khẩu, xác lập các liên kết từ sản xuất, phân phối đến tiêu dùng và xuất nhập khẩu, hình thành các chuỗi cung ứng để có thể tạo được chỗ đứng vững chắc trong các chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực, đồng thời hạn chế nhập siêu và dành nhiều ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa – nhóm doanh nghiệp từ trước tới nay vốn ít được hưởng lợi từ các chính sách thương mại./.
Quỳnh Anh