Công an điều tra đường dây chạy XKLĐ sang Hàn Quốc

(TT) Sau loạt bài điều tra về những đường dây chạy XKLĐ Hàn Quốc tại Nam Định được đăng tải trên Báo CAND, Sở LĐTBXH tỉnh Nam Định cũng đã mở cuộc thanh tra để làm rõ sai phạm của một cán bộ thuộc Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc Sở. Đặc biệt Phòng CSĐT tội phạm về TTQLKT và CV, (PC46) – Công an tỉnh Nam Định cũng đã vào cuộc. 

 

Trao đổi với phóng viên, Thượng tá Bùi Quang Hưng, Trưởng Phòng PC46 – Công an tỉnh Nam Định khẳng định, qua điều tra ban đầu, những thông tin mà Báo CAND nêu hoàn toàn khách quan, đúng sự thật. Hiện cơ quan này đang tiến hành điều tra mở rộng.

 

Điều đáng nói là với mặt bằng chung về trình độ còn thấp, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo ở nhiều tỉnh lớn, nên chủ trương đưa người đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là thị trường Hàn Quốc đang là một trong những chiến lược phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở các địa phương.

 

 

Nhưng cũng chính vì cầu quá lớn, đặc biệt là để đi làm việc theo chương trình cấp phép lao động nước ngoài (EPS), được thực hiện giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ Việc làm-Lao động Hàn Quốc, người lao động phải mất thời gian học và thi tiếng Hàn, rồi phải chờ đợi chủ chọn qua hồ sơ được đưa trên mạng, nên các đối tượng cò mồi đã lợi dụng lo cho người lao động đi được để chiếm đoạt tiền.

 

Bằng chứng rõ nhất khi nhân vật dám đứng lên tố cáo hành vi nhận tiền chạy đi làm việc tại Hàn Quốc của cán bộ Trung tâm GTVL tỉnh Nam Định là anh Trần Phú Cường (trú tại TP Nam Định), đã nộp 6.000 USD cho người của Trung tâm GTVL tỉnh Nam Định để được đi nhanh, nhưng sau khi chờ gần 2 năm, vẫn chưa đi được, anh Cường đã đề nghị đòi lại tiền, phải đến khi cơ quan báo chí lên tiếng thì nhân vật nhận tiền mới chịu trả lại. Sau khi lấy lại được tiền, mới đây anh Cường đã nhận được tin vui hồ sơ của anh đã được chủ sử dụng chọn, và anh Cường chuẩn bị lên Hà Nội tham gia lớp học định hướng để chuẩn bị xuất cảnh sang Hàn Quốc làm việc.

 

Câu chuyện của lao động Trần Phú Cường là bằng chứng rõ nét, tố cáo việc lợi dụng sự kém hiểu biết, để thu tiền bất chính của người lao động nghèo. Tình trạng trên không chỉ diễn ra ở tỉnh Nam Định, chúng tôi đang tiếp tục thu thập thêm chứng cứ từ người lao động vừa vượt qua kỳ kiểm tra tiếng Hàn hồi tháng 12/2011, khi họ đang bị một số đối tượng săn đón, hứa hẹn lo cho đi nhanh với giá trên 2.000 USD/người.

 

Người lao động trước khi có bất kỳ quyết định nào liên quan đến việc làm tại Hàn Quốc cần tìm hiểu kỹ thông tin và liên hệ với Trung tâm lao động ngoài nước, Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH để được cung cấp thông tin chính xác và tư vấn cụ thể

 

 

Thu Uyên


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *