Như vậy là, sau nhiều ngày bỏ thời gian, tiền bạc vào những “lò” luyện tiếng Hàn, bợt bạt với kỳ thi được đánh giá là đông kỷ lục nhất, gần 63 nghìn người dự thi, trong suốt 9 năm thực hiện Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), những ngày cuối cùng của năm 2011, kết quả đã được công bố, chỉ có 14.937 lao động thi đỗ, tức là gần 50.000 người trượt vỏ chuối.Để tiếp tục ôm mộng đi làm việc tại Hàn Quốc thì không còn lựa chọn nào khác, họ phải ôn luyện để chờ kỳ thi sang năm, mà theo dự đoán thì tỷ lệ chọi sẽ tiếp tục cao, khi mà kỳ kiểm tra tiếng Hàn được Hàn Quốc mở rộng đối tượng, không gò ép chỉ tiêu đăng ký dự thi, chỉ cần biết tiếng Hàn và ở độ tuổi từ 19 đến 39.Ngay cả khi hoạt động XKLĐ trong năm 2011 liên tục gặp khó khăn do cuộc khủng hoảng chính trị tại một số nước Trung Đông và Bắc Phi, điển hình là chính biến tại Lybia, khiến hơn chục nghìn lao động Việt Nam phải về nước trước thời hạn. Trận động đất tại Nhật Bản cũng khiến nhu cầu tiếp nhận lao động Việt Nam giảm sút, thì mọi sự tập trung của lao động muốn đi nước ngoài làm việc lại đổ dồn về Hàn Quốc. |
Trong khi đó, chính Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cũng phải thừa nhận, dù đã chấn chỉnh và quản lý các doanh nghiệp XKLĐ trong nước nâng cao việc lựa chọn đơn hàng, đối tác ở Malaysia, một thị trường dễ tính và có nhu cầu lớn lao động, trong việc đảm bảo điều kiện làm việc, mức thu nhập, có nhà máy lên tới 12 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều lao động đã không tha thiết. Họ chờ đợi vào những thị trường thu nhập cao hơn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Mà đã thành quy luật trong XKLĐ, thị trường càng khó thì càng có nhiều tiêu cực.
Sức ép quá lớn của kỳ thi tiếng Hàn đặt lên vai người lao động (Chen nhau từ lúc chờ vào phòng thi ngày 17/12).
Điều đáng nói là với trách nhiệm của người quản lý, thì làm thế nào để hạn chế tiêu cực, có lợi cho dân, chứ không phải cứ “ỷ lại” vào quy định của nước tiếp nhận. Với cơn sốt Hàn Quốc diễn ra trong năm 2011, chỉ tính một phép tính rất đơn giản, với 66.778 người đăng ký dự thi, mỗi người bỏ ra khoảng 5 triệu đồng học tiếng Hàn, với lệ phí đăng ký dự thi là 24 USD/người, thì số tiền mà người lao động Việt Nam bỏ ra cho kỳ kiểm tra này đã lên tới trên 1,7 triệu USD(!?). Đấy là chưa kể số tiền mà người lao động ngấm ngầm chi cho các đường dây nhận “chạy” cho qua kỳ kiểm tra. Làm sao để những kỳ kiểm tra tiếng Hàn trong năm 2012 và những năm tiếp theo, không còn tiêu cực, không còn nhiêu khê (chuyển 13 nghìn lao động Nghệ An, 2.000 lao động Thái Bình về Hà Nội thi) là bài toán và trách nhiệm đối với Bộ LĐ-TB&XH và các cơ quan trực thuộc.Sang năm 2012, theo nhiều chuyên gia XKLĐ, thì hoạt động XKLĐ vẫn còn gặp khó khăn về thị trường. Còn phải chờ đợi vào sự ổn định trở lại của Lybia, sự mở cửa trở lại cho lao động giúp việc gia đình sang Đài Loan… thì người lao động cần có tính toán lựa chọn, không để mất thời gian, công sức và tiền bạc chạy theo kỳ kiểm tra tiếng Hàn. Thay vì đặt ra chỉ tiêu đưa từ 80 đến 100 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài mỗi năm, Bộ LĐ-TB&XH cần điều chỉnh việc nâng cao chất lượng thị trường, chất lượng lao động, để nâng mức thu nhập cho lao động khi họ đi làm việc ở xứ người |
Thu Uyên(Báo CAND)