Mặc dù 9 tháng đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về hành trình gần 30 tiếng trên máy bay sẽ mãi trong tôi bởi không phải ai cũng có may mắn, cơ hội xuất ngoại để tác nghiệp trong một môi trường, hoàn cảnh đặc biệt – tới Tunisia đón người lao động Việt Nam bằng chuyên cơ trong bối cảnh tình hình Libya đang có những biến cố khó lường.
Tuy từng đi công tác đột xuất đôi lần theo yêu cầu của lãnh đạo, nhưng hoàn cảnh, điều kiện và mục đích chuyến đi tới Tunisia thượng tuần tháng 3 vừa qua là kỷ niệm khó phai bởi không những bản thân tôi, mà tất cả những người có mặt trên chiếc Boeing 777 mang số hiệu VNA 8684 và VNA 8685 của Vietnam Airlines hôm 5 và 6/3/2011 đều lần đầu tiên được bay thẳng trên quãng đường dài khoảng 5.450 dặm (10.500km) từ sân bay Nội Bài, Việt Nam tới sân bay Zarzis, Tunisia và ngược lại.
Đang ăn cơm trưa với vợ con ở nhà thì chuông điện thoại réo và người ở đầu dây hình như không biết tôi. Và tôi đã kết thúc sớm bữa trưa hôm 4/3 cho dù mới ngồi vào mâm vì những gì vừa nghe qua điện thoại. Tôi vừa mừng, vừa sợ sau cú điện thoại mới nhận: mừng vì sẽ được tới một quốc gia có nằm mơ chẳng bao giờ có, sợ vì thời gian chuẩn bị quá gấp, hơn nữa chẳng có thông tin gì xung quanh công việc sắp thực hiện.
Vì quá đột xuất và gấp nên tôi vừa dặn vợ chuẩn bị tư trang đi công tác, vừa lao vội tới cơ quan để báo cáo các đồng chí lãnh đạo. Bởi theo thông báo qua điện thoại, tôi có thể bay ngay trong tối 4/3 tới Tunisia, trong khi chưa làm bất cứ thủ tục nào để xuất ngoại. Vậy mà chỉ trong mấy tiếng đồng hồ buổi chiều 4/3, mọi thủ tục cần thiết để đi Tunisia đều hoàn tất. Tuy nhiên, tới 16h30′ ngày 4/3 tôi vẫn chưa biết sẽ bay ngay trong tối 4/3 hay sáng 5/3 bởi trước đó đã có 2 chuyến bay tối tới sân bay Zarzis, Tunisia để đón người lao động Việt Nam tại Libya về nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Mãi đến 18h ngày 4/3, tôi mới nhận được thông báo chính thức: bay chuyến 8h sáng 5/3. Cả đêm hôm đó tôi thức trắng để chuẩn bị “quân tư trang”, nhất là tinh thần bởi tuy đây là lần thứ hai ra nước ngoài, nhưng mọi việc quá mới mẻ và đột xuất. 6h sáng 5/3, tôi có mặt tại sân bay Nội Bài để làm thủ tục và làm quen với những người cùng đi đến Tunisia bởi cho tới lúc đó tôi vẫn chưa biết sẽ có bao nhiêu người đi, họ sang đó làm gì.
Chỉ tới khi làm thủ tục xuất cảnh, tôi mới biết bay cùng 2 người, đó là Trung tá Vũ Quyết Thắng, Đội trưởng Kiểm soát số 4 sân bay Nội Bài và đồng chí Tuấn, cán bộ Cục Quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Đến khi lên máy bay, tôi thực sự ngạc nhiên khi biết rằng, chỉ có tất cả 27 người bay trên chiếc Boeing 777 tới sân bay Zarzis, Tunisia, trong đó có 2 cơ trưởng và 2 cơ phó.
Sau khi chiếc Boeing 777 cất cánh tại sân bay Nội Bài (8h ngày 5/3), một số thắc mắc của tôi mới dần được lý giải. Sở dĩ phải có 2 cơ trưởng và 2 cơ phó vì chúng tôi bay thẳng từ Việt Nam tới Tunisia trong khi ta chưa có tuyến bay tới quốc gia này.
Cơ trưởng Vũ Danh Thắng (51 tuổi) cho biết, tuy đã hơn 30 năm cầm lái, nhưng đây là lần đầu tiên anh bay thẳng trên quãng đường dài hơn 10.000km. Anh Thắng tâm sự, đã bay gần 15.000 giờ an toàn và từng làm cơ trưởng trên những chuyến chuyên cơ chở các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội tới nhiều quốc gia trên thế giới.
Có lẽ thấy vẻ mặt chuyển từ ngơ ngác này sang thán phục khác khi nghe chuyện của mình nên ngoài anh Thắng, Cơ trưởng Lê Minh Tiến (sinh năm 1959) cùng 2 Cơ phó Nghiêm Đình Tuấn (sinh năm 1959) và Nguyễn Hữu Chất (sinh năm 1974) lần lượt “mở rộng tầm mắt” cho tôi như tại sao không bay thẳng theo đường kẻ từ A đến B, mà lại bay vòng qua một số nước, tại sao phi công phải thắt dây an toàn tứ phía, không giống như hành khách chỉ thắt ngang lưng…
Tác giả và Cơ trưởng Vũ Danh Thắng.
Câu chuyện của chúng tôi càng trở nên rôm rả khi phi hành đoàn ăn trưa. Lần đầu tiên trong đời được chứng kiến tổ lái ăn cơm trên máy bay nên tôi thực sự muốn biết họ dùng bữa như thế nào. Thấy tôi có vẻ thắc mắc khi mọi người ăn cá kho lại phải chấm gia vị mặc dù ăn cùng với dưa muối, anh Thắng thổ lộ: “Vợ tớ kho vội nên quên cho mắm muối, do đó mọi người phải dùng thêm gia vị”. “Tại sao các anh không dùng đồ ăn trên máy bay cho tiện, cơm niêu nước lọ làm gì cho phiền và vất vả”, “Nhưng ăn mãi cũng chán, phải thay đổi”.
Vì ngồi quá lâu trên máy bay nên ngoài việc tán gẫu, ngắm mây trời, tôi dành thời gian đáng kể “khai thác các món ăn” trên chuyến bay đặc biệt này và cũng có cảm nhận giống anh Thắng… Khi đang mải nhìn những vệt nước dài đằng sau các con thuyền nhỏ như chiếc lá trên Địa Trung Hải thì tôi bỗng nghe có tiếng nói từ sau lưng: hơn 10 phút nữa chúng ta sẽ hạ cánh.
Sau đúng 14 tiếng bay trên trời, chiếc Boeing 777 đã hạ cánh xuống sân bay Zarzis, Tunisia và khi đó kim đồng hồ chỉ 10h ngày 5/3 (theo giờ địa phương). Thời tiết ở Tunisia thật đẹp, nắng cùng gió biển giúp tôi thoải mái và thư giãn sau 14 giờ ngồi trên máy bay, nhưng thực tế tại sân bay Zarzis khiến tôi lo lắng.
Ông Nguyễn Thành Nam, Phó văn phòng chi nhánh Hàng không Việt Nam tại Pháp, phụ trách khai thác tại sân bay Charles De Gaulle, nhưng khi đó phụ trách khai thác các chuyến bay đặc biệt tại Tunisia cho biết, hiện sân bay Zarzis còn khoảng 20 máy bay dùng vào công tác cứu trợ người tị nạn đến từ Libya, nhưng do làm việc liên tục và căng thẳng mấy ngày liền nên hiện nhân viên đang biểu tình, không làm việc.
Tuy không thể vào bên trong sân bay Zarzis tác nghiệp, nhưng tôi vẫn trao đổi được với một số nhân viên Tunisia và cán bộ của Vietnam Airlines đang có mặt gần nơi chiếc Boeing 777 đỗ. Theo đó, vì Việt Nam không có đường bay tới sân bay Zarzis nên phải trả phí dịch vụ khá cao. Tận mắt nhìn thấy 3 nhân viên sân bay Zarzis lên máy bay làm việc với 2 cán bộ của Vietnam Airlines đi cùng chuyến bay nên tôi mới biết những gì chứa trong va ly và túi xách họ mang theo. Đó là những giấy tờ để hai bên ký trước khi ta trao cho họ số tiền thanh toán những chi phí cho việc hạ cánh xuống sân bay Zarzis.
Khi trao đổi với tôi tại sân bay Zarzis chiều 5/3 (theo giờ địa phương), ông Đỗ Dương Quy, Trưởng ban tiếp thị hàng hoá của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Trưởng đoàn công tác đặc biệt của Vietnam Airlines tại Tunisia cho biết, Tổ chức di cư quốc tế (IOM) tại Tunisia đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đưa lao động về nước an toàn. IOM ngưỡng mộ cách tổ chức đưa lao động thoát khỏi vùng chiến sự của Việt Nam bởi không phải chính phủ nước nào cũng làm như vậy.
Chàng thanh niên với lá cờ Tổ quốc trên vai.
Khi tiếp xúc, trao đổi với một vài người trong số 318 lao động Việt Nam về nước đợt này, họ đều bày tỏ niềm sung sướng khi được lên máy bay, trở về đất mẹ thân yêu. Tôi thực sự ấn tượng khi nhìn thấy một thanh niên trên chuyến ôtô đầu tiên chở người lao động Việt Nam chạy từ cửa xuất cảnh sân bay Zarzis tới chân cầu thang chiếc Boeing 777. Bởi anh khoác trên mình lá cờ Tổ quốc cho dù mặt mũi hốc hác vì những gian khó vừa trải qua để có mặt trên chuyến bay này. Khi đó trong tôi trào dâng một cảm xúc khó tả bởi ở nơi cách xa Việt Nam hơn 10.500km, nhưng lao động ta dù khó khăn, vất vả, gian khổ nhưng vẫn hướng về Tổ quốc.
Khi kim đồng hồ chỉ 12h40′ ngày 5/3, tức rạng sáng 6/3 (theo giờ Việt Nam), chiếc Boeing 777 rời sân bay Zarzis, Tunisia về nước. Và 318 lao động Việt Nam đi trên chiếc Boeing 777 mang số hiệu VNA 8685 của Vietnam Airlines đã hạ cánh an toàn xuống sân bay Nội Bài lúc 10h35′ ngày 6/3.
Mặc dù 9 tháng đã trôi qua, nhưng những kỷ niệm về hành trình gần 30 tiếng trên máy bay sẽ mãi trong tôi bởi không phải ai cũng có may mắn, cơ hội xuất ngoại để tác nghiệp trong một môi trường, hoàn cảnh đặc biệt – tới Tunisia đón người lao động Việt Nam bằng chuyên cơ trong bối cảnh tình hình Libya đang có những biến cố khó lường. Những kỷ niệm về chuyến đi càng thêm sinh động bởi ngày hôm sau khi đồng nghiệp vừa đọc báo vừa hỏi tôi “bao giờ anh đi Tunisia, làm thủ tục xong chưa…”.
Sau hơn 1 tháng lênh đênh trên biển (lên từ cảng Bengazi, Libya hôm 3/3), cuối cùng tàu chở khách Lissos của Hy Lạp đưa 1.015 người lao động Việt Nam tại Libya đã cập cảng Cái Lân, tỉnh Quảng Ninh an toàn lúc 6h45′ ngày 4/4. Đây là những người lao động cuối cùng từ Libya về nước và chiến dịch sơ tán hơn 10.300 công dân ta ở Libya đã hoàn tất mỹ mãn bởi đảm bảo an toàn tuyệt đối tính mạng cho người lao động, cũng như nhanh chóng đưa họ về nước có trật tự. Sự đóng góp của Bộ Công an trong thành công này là rất quan trọng.
Được biết, Bộ Công an đã cử 10 lượt cán bộ tới 5 quốc gia láng giềng của Libya là Tunisia, Ai Cập, Malta, Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp để hỗ trợ, sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi khu vực nguy hiểm này. Sự có mặt của cán bộ Công an tại các địa bàn phức tạp đã góp phần ổn định tâm lý, giải tỏa những bức xúc, làm cho người lao động yên tâm trước những diễn biến của tình hình. Bộ Ngoại giao và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá cao hiệu quả công tác, cũng như tính kỷ luật, tác phong nhanh nhẹn của những cán bộ Công an được cử tham gia hỗ trợ sơ tán người lao động Việt Nam từ Libya về nước.
Quôc Trung(Báo CAND)