Giải pháp ngăn chặn tình trạng lao động xuất khẩu bỏ trốn

Trong những năm qua, tình trạng lao động Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn và phá vỡ hợp đồng đã ký kết luôn chiếm tỷ lệ cao so với lao động các nước khác trên cùng một thị trường. Điều này không chỉ làm cho các doanh nghiệp và bản thân người lao động bị thiệt thòi về mặt kinh tế mà thiệt hại lớn nhất là ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của quốc gia, làm giảm hiệu quả xuất khẩu lao động.

Trong suốt thời gian dài vừa qua từ khi nước ta hội nhập vào thị trường lao động thế giới bằng hoạt động đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn diễn ra ở hầu hết các thị trường, nhiều nhất là ở Nhật Bản, Hàn Quốc (chiếm 30%-40%), Đài Loan (10%-15%). Theo thống kê của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước, trong khoảng thời gian từ tháng 1/2003 đến 4/2008 đã có 39.401 lao động bỏ trốn (chiếm 8,54% tổng số lao động đã đưa đi). Trong đó Đài Loan là 28.330 lao động, Nhật Bản là 2.644 lao động, Hàn Quốc là 6.564 lao động. Trong khi đó, tỷ lệ lao động bỏ trốn của các quốc gia khác như Trung Quốc, Thái Lan, Philippine, Indonesia,… trên cùng thị trường chỉ từ 1% đến 5%. Hiện nay, tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn tại các thị trường tuy đã giảm nhưng vẫn còn bức xúc. Đây có lẽ là bài toán đau đầu nhất chưa tìm được lời giải đối với các công ty xuất khẩu lao động và các cơ quan quản lý của Việt Nam.

Nâng cao năng lực trong việc tuyển chọn, đào tạo là một trong những giải pháp để hạn chế tình trạng lao động bỏ trốn

Ngoài thiệt hại về kinh tế đối với các công ty xuất khẩu lao động vì bị phạt,  người lao động nếu bị phát hiện sẽ bị trục xuất về nước sớm, thiệt hại lớn nhất mà không thể đo lường được là hình ảnh lao động Việt Nam bị xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế, giá cả của lao động Việt Nam sẽ bị hạ thấp, và có thể lao động Việt Nam sẽ bị một số thị trường từ chối tiếp nhận.

Nguyên nhân lao động Việt Nam bỏ trốn

Qua khảo sát nhanh một số chuyên gia và người tham gia xuất khẩu lao động trở về, những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến lao động bỏ trốn  bao gồm:

Về kinh tế: Lao động Việt Nam sẵn sàng phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm để có thu nhập cao hơn và để ở lại nước ngoài bất hợp pháp lâu hơn, cho dù việc làm này có thể gặp rủi ro và bị trục xuất về nước. Nhiều trường hợp, ngay sau khi sang nước bạn đã bỏ ra ngoài và bị phát hiện trục xuất về nước, chịu thiệt hại nặng nề cho bản thân vì chưa trả nợ được số vốn vay để đi xuất khẩu lao động. Thị trường Nhật Bản luôn có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao nhất vì quốc gia này nhận lao động Việt Nam dưới dạng “tu nghiệp sinh”. Thực chất là một hình thức sang nước ngoài để học việc, tu nghiệp. Do đó, thu nhập hàng tháng chỉ từ 500 – 700 USD/người/tháng với thời hạn tu nghiệp thường khoảng 3 năm. Trong khi đó đây là những quốc gia phát triển có thu nhập cao, nếu trốn ra ngoài làm việc mức thu nhập là 1.500 – 2.000 USD/người/tháng và nếu không bị bắt và bị trục xuất thì sẽ được làm việc lâu hơn ở nước ngoài. Mặt khác, người tham gia xuất khẩu lao động ở nước ta hầu hết thuộc tầng lớp có thu nhập thấp, trước khi đi lao động ở nước ngoài phải vay mượn nhằm trang trải chi phí rất lớn từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Trong khi đó, thực trạng lao động Việt Nam sau khi đi XKLĐ về nước chỉ 20-25% kiếm được việc làm ổn định. Do đó, sức ép đối với họ để mau chóng hoàn trả vốn và có một khoản tích lũy để làm ăn khi về nước là rất lớn. Đây là lý do cơ bản mà lao động Việt Nam sẵn sàng bỏ trốn bất chấp có thể gặp rủi ro.

Do tình trạng lừa đảo: Trong những năm qua, tình trạng lừa đảo trong xuất khẩu lao động đã góp phần làm cho một bộ phận lao động phá vỡ hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại nước ngoài. Lợi dụng kẽ hở của luật pháp, nhiều tổ chức môi giới và cò mồi đã lừa đảo những người nhẹ dạ và thiếu hiểu biết. Theo quy định, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động chỉ được mở 3 chi nhánh nhưng thực tế các chi nhánh của doanh nghiệp lại mở thêm các trung tâm. Hơn nữa, luật chỉ quy định doanh nghiệp phải tuyển trực tiếp, do vậy các doanh nghiệp vẫn lợi dụng kẽ hở này bằng cách đảm bảo thủ tục giấy tờ ký kết trực tiếp với lao động nhưng thực ra người lao động phải đi rất vòng vo qua hệ thống chân rết mới đến được doanh nghiệp. Các chân rết cò mồi hiện vẫn tự do hoạt động khi không có chức năng XKLĐ và đều tìm cách thu lợi bất chính. Bên cạnh đó, các môi giới thường lợi dụng vào những hợp đồng liên kết, cung ứng lao động với các doanh nghiệp để thu tiền, cam kết một cách vô tội vạ với người lao động. Ngược lại, từ phía người lao động cũng tự mình tham gia vào trò chơi với những người môi giới này do khát vọng xuất ngoại trong khi bị nhiễu thông tin. Vì vậy, trong thời gian qua tình trạng người làm thủ tục đi xuất khẩu lao động bị cò mồi lừa gạt thường xuyên xảy ra. Khi ra nước ngoài và biết mình bị lừa, lao động Việt Nam chỉ còn biết tìm đường trốn, chấp nhận cư trú bất hợp pháp để tìm việc khác với mong muốn kiếm tiền để thu hồi vốn đã đầu tư.

Do đặc điểm tâm lý xã hội: Một nguyên nhân khác giải thích tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn nhiều hơn lao động của các quốc gia khác xuất phát từ đặc điểm tâm lý xã hội của người Việt. Do ảnh hưởng của lối sống làng xã và nền văn minh nông nghiệp lúa nước từ lâu đời đã hình thành ở người Việt một số giá trị tiêu cực cho sự phát triển, đặc biệt là ý thức rất kém về pháp luật; kém về ý thức cá nhân, dễ bị kích động, thường làm theo phong trào một cách tự phát mà ít có chính kiến cá nhân. Do đó, họ rất dễ bị những chủ doanh nghiệp bản địa lôi kéo, dễ dàng nghe theo những lao động đã bỏ trốn trước đó để phá vỡ hợp đồng đã ký kết. Cùng với đó là lối làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, vụn vặt,… đã hình thành tính cục bộ, vì lợi ích cá nhân, tính tùy tiện, ý thức tổ chức kỷ luật kém, nên khi tiếp cận với văn minh công nghiệp của các nước phát triển, lao động Việt Nam hay hành động theo cảm tính và sự tùy tiện của mình nên thường vi phạm thỏa thuận đã ký kết, bỏ trốn nhằm mưu lợi cá nhân trước mắt, bất chấp gây hậu quả cho cộng đồng, cho đất nước và những rủi ro có thể xảy ra cho chính bản thân họ. Mặt khác, do tính sĩ diện của mình, người Việt thường có tâm lý đã đi nước ngoài là khi về phải có nhiều tiền, trở thành người giàu sang,…. đã thôi thúc không ít lao động phá vỡ hợp đồng với mong muốn làm giàu nhanh  để khi trở về có thể nở mặt nở mày với họ hàng, bà con làng xóm, khu phố,…

Về luật pháp: Các quy định ràng buộc và đặc biệt là chế tài đối với lao động xuất khẩu của nước ta trong thời gian qua còn lỏng lẻo cũng là một trong những nguyên nhân làm cho lao động dễ dàng bỏ trốn. Trên danh nghĩa, lao động bỏ trốn  có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, các cơ quan thụ lý đã  không thể xử lý những trường hợp này vì còn thiếu một số văn bản theo quy định của pháp luật, như phải có biên bản xử phạt hành chính về việc lao động bỏ trốn (có xác nhận của những lao động làm việc cùng hoặc của chủ sử dụng về việc lao động bỏ trốn), mới có căn cứ xử lý hình sự khi lao động đó về nước. Chính sự thiếu đồng bộ trong hành lang pháp lý, cùng với thủ tục trình tự xét xử phức tạp, việc tìm kiếm lao động bỏ trốn ở nước ngoài để đưa ra tòa khó như tìm kim đáy biển, nên cho đến nay chưa một trường hợp lao động bỏ trốn nào bị đưa ra tòa. Hình thức cưỡng chế duy nhất đối với lao động bỏ trốn trong thời gian qua là tiền ký quỹ, đặt cọc. Trên thực tế, hình thức này không giải quyết được vấn đề vì nhiều lao động sẵn sàng chịu mất số tiền này. Hơn nữa, chính khoản tiền ký quỹ càng như một gánh nặng đối với lao động phải đầu tư ban đầu, càng làm cho lao động tìm cách bỏ ra ngoài làm nhằm kiếm nhiều tiền hơn để trang trải nợ, thu hồi vốn. Mặt khác, mới đây quy định của Nhật Bản đối với Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu lao động bắt người lao động ký quỹ dưới mọi hình thức càng tạo điều kiện cho người lao động dễ dàng bỏ trốn nếu như chúng ta không có những giải pháp ngăn chặn khác.

Một số giải pháp 

Để giảm thiểu tình trạng lao động bỏ trốn, góp phần nâng cao hiệu quả xuất khẩu lao động của Việt Nam trong những năm tới, theo chúng tôi cần phải tiến hành một số giải pháp đồng bộ sau đây.

1. Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước đối với hoạt động xuất khẩu lao động bằng việc nâng cao trình độ cán bộ quản lý và tăng cường quản lý hoạt động XKLĐ bằng pháp luật. Theo đó, cán bộ quản lý phải thông hiểu kiến thức về thị trường lao động, luật pháp trong nước và quốc tế. Mặt khác, luật pháp cần có những quy định rõ ràng, minh bạch và phải được tăng cường phổ biến, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về các thông tin liên quan đến công tác xuất khẩu lao động như cơ chế, chính sách, danh sách các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động, thị trường xuất khẩu lao động, số lượng lao động cần tuyển, tiêu chuẩn tuyển lao động, các loại phí, chế độ đào tạo, chế độ lao động và thu nhập của người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài… để mọi người biết, thực hiện và kiểm tra, nhằm tránh tình trạng người đi xuất khẩu lao động bị lừa gạt.

2. Xây dựng cơ chế giám sát chặt chẽ hoạt động xuất khẩu lao động; hoàn thiện pháp luật về lĩnh vực này; đồng thời tăng cường biện pháp chế tài, mạnh tay xử lý hình sự đối với các trường hợp lao động bỏ trốn theo điều 274 của Bộ luật Hình sự. Theo đó, các doanh nghiệp XKLĐ cần có đại diện tại nước sở tại, phối hợp chặt chẽ với Đại sứ quán Việt Nam, Ban Quản lý lao động Việt Nam và với doanh nghiệp sử dụng lao động, để kịp thời lập biên bản xử phạt hành chính lao động bỏ trốn, làm căn cứ khởi kiện khi họ về nước. Mặt khác, doanh nghiệp XKLĐ, Cục quản lý Lao động ngoài nước cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, an ninh cửa khẩu để nắm được thông tin khi lao động bỏ trốn về nước, từ đó có thể kịp thời khởi kiện họ.

3. Cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, lên án hành động bỏ trốn, làm cho người lao động hiểu rõ tác hại của hành động này đến bản thân và lợi ích quốc gia. Đã đến lúc Việt Nam cần một kênh thông tin chính thống để khắc phục tình trạng “loạn, nhiễu thông tin” trong công tác xuất khẩu lao động. Theo chúng tôi, Cục quản lý lao động ngoài nước cần phối hợp với Đài truyền hình Việt Nam xây dựng chuyên mục về xuất khẩu lao động với thời lượng 15 phút/tuần và phát vào một giờ cố định trong tuần, nhằm cung cấp các thông tin liên quan về công tác quản lý việc đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài như: chính sách, nhu cầu tuyển dụng và chế độ được hưởng, cơ quan tuyển dụng, thủ tục, các lệ phí và mức phí, thông tin về thị trường, công tác đào tạo, hình thức xử phạt vi phạm hợp đồng,… nhằm làm cho người tham gia xuất khẩu lao động hiểu rõ chính sách và các thông tin liên quan từ đó một mặt hạn chế tình trạng cò mồi, giảm thiểu các chi phí không cần thiết, mặt khác hiểu rõ quyền lợi và nghĩa vụ trong thời gian làm việc ở nước ngoài, từ đó hạn chế được tình trạng vi phạm hợp đồng.

4. Giải pháp lâu dài mà Nhà nước cần quan tâm là việc làm cho người lao động khi họ trở về nước. Để thực hiện điều này, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp cung ứng lao động, Hiệp hội xuất khẩu lao động và Cục quản lý Lao động ngoài nước, nhằm quản lý được lực lượng lao động xuất khẩu trở về để cung ứng cho các đơn vị trong nước (nên chăng gắn trách nhiệm giới thiệu việc làm cho lao động xuất khẩu về nước đối với các danh nghiệp XKLĐ). Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam rất mong muốn tuyển dụng những lao động Việt Nam đã làm việc ở nước họ trở về vì họ biết ngoại ngữ, có tay nghề, tác phong công nghiệp, hiểu biết văn hóa của họ, đặc biệt là các lao động từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,… trở về . Đây là giải pháp có tính bền vững: vừa tránh lãng phí nguồn lực, vừa làm cho người lao động an tâm về việc làm và thu nhập, tránh sức ép kiếm tiền đối với họ trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

5. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, cần nâng cao năng lực trong việc tuyển chọn, đào tạo, cung ứng, tìm kiếm thị trường và đàm phán, ký kết hợp đồng XKLĐ. Đã đến lúc các doanh nghiệp phải xác định cho mình một hướng đi lâu dài, một thương hiệu trong công tác xuất khẩu lao động, chấm dứt tình trạng làm ăn chụp giựt hiện nay. Để thực hiện điều này, các doanh nghiệp phải xây dựng được đội ngũ cán bộ giỏi, năng động, đồng thời phải đầu tư xây dựng những cơ sở đào tạo nghề nhằm chủ động trong việc tuyển chọn và đào tạo lao động. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có những bước phát triển nhanh và bền vững trong lĩnh vực XKLĐ. Bên cạnh việc quan tâm đến công tác giáo dục định hướng người lao động trước khi lên đường xuất ngoại, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường giáo dục, quản lý trong thời gian họ làm việc ở nước ngoài, thu thập và công bố đầy đủ thông tin chính xác về việc làm ở nước ngoài gồm tiền lương, thời gian làm việc, chế độ phúc lợi, các quyền và nghĩa vụ liên quan,…để cung cấp cho người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài, làm cho người tham gia xuất khẩu lao động hiểu rõ những rủi ro và tác hại nếu bỏ trốn, từ đó an tâm làm việc theo hợp đồng đã ký kết.

6. Đối với người tham gia xuất khẩu lao động, cần chủ động học nghề và ngoại ngữ; rèn luyện tác phong công nghiệp để nâng cao cơ hội tham gia XKLĐ của mình. Mặt khác, cần tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp XKLĐ để tránh tình trạng bị lừa đảo và những chi phí trung gian không cần thiết.

PGS.TS. Trần Văn Thiện – Ths. Nguyễn Sinh Công

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *