Thiếu cơ chế bảo vệ
Luật NLĐ Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được Quốc hội phê duyệt năm 2006 cùng nhiều văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo hành lang pháp lý cho hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Song từ thực tế cho thấy, công tác bảo vệ NLĐ đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài còn hạn chế.
Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), hiện có khoảng 500.000 lao động Việt Nam làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 30 nhóm ngành, nghề khác nhau. Trong đó, NLĐ tại Đài Loan đứng đầu về lượng tiếp nhận, tiếp đến là Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Macau, Ả-rập Xê-út, Cộng hòa Síp… Đáng chú ý, trong số 500.000 lao động có tới 215.000 là lao động nữ, chiếm 50,2%, chủ yếu làm việc trong ngành phục vụ cá nhân và xã hội chiếm 52,9%, công nghiệp 42,2%, nông nghiệp 1,10%, thủy sản 0,13%, còn lại là các ngành nghề khác. Đây cũng là đối tượng bị ngược đãi, xúc phạm nhân phẩm, bóc lột sức lao động nhiều hơn so với nam.
Theo ông Lê Vũ Hà, Trưởng phòng Lãnh sự ngoài nước – Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) cho biết, nhiều lao động nữ giúp việc gia đình tại Ả-rập Xê-út bị chủ bắt làm thêm giờ, ngược đãi, đánh đập, đuổi khỏi nhà. Do bất đồng ngôn ngữ, NLĐ không biết gọi cảnh sát can thiệp. Có người gọi đến Đại sứ quán kêu cứu, nhờ giúp nhưng khi hỏi đang ở đâu, địa chỉ nào thì không cung cấp được…
Thạc sĩ Trần Anh Thư, Phó Trưởng phòng Thanh tra – Cục Quản lý Lao động ngoài nước cho rằng, mặc dù hệ thống chính sách, pháp luật về lĩnh vực XKLĐ đã từng bước hoàn thiện song chưa đồng bộ, quá trình thực hiện chưa thống nhất giữa các bộ, ngành và địa phương. Ở một số địa phương, công tác quản lý hoạt động XKLĐ của cơ quan chức năng trên địa bàn chưa chặt chẽ, chưa kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc lừa đảo NLĐ. Bên cạnh đó, công tác quản lý lao động ở nước ngoài chưa kịp thời trong việc xử lý những phát sinh liên quan đến quyền lợi hợp pháp của NLĐ, đặc biệt ở những thị trường chưa có ban quản lý.
Nâng cao vai trò của công đoàn
Tại Hội thảo “Nâng cao vai trò của tổ chức công đoàn trong việc bảo vệ NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 17-11, nhiều đại biểu cho rằng, mặc dù Nhà nước đã ban hành nhiều khung pháp lý nhằm bảo vệ quyền lợi NLĐ đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, song cơ chế bảo vệ cho NLĐ khi bị chủ sử dụng lao động nước sở tại xâm hại quyền lợi là chưa cụ thể. Đặc biệt, NLĐ đi làm việc ở nước ngoài hiện nay phần lớn chưa được tổ chức công đoàn trực tiếp bảo vệ.
Đại diện Ban Chính sách – Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho rằng: Từ năm 1990 đến nay, việc đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được các tổ chức kinh tế có giấy phép kinh doanh hoạt động dịch vụ XKLĐ thông qua các hợp đồng ký với đối tác nước ngoài hoặc hợp đồng thầu khoán công trình ở nước ngoài. Việc giám sát, kiểm tra bảo vệ lợi ích của NLĐ chủ yếu do các tổ chức kinh tế đó thực hiện. Do đó, tổ chức công đoàn chỉ thực hiện việc giám sát thông qua việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật và qua việc tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh khi đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Các hoạt động giám sát, kiểm tra của công đoàn cơ sở đối với các tổ chức kinh tế đó tuy có được thực hiện nhưng kết quả vẫn còn hạn chế.
Theo các chuyên gia, những quy định của pháp luật chính là cơ sở pháp lý cho tổ chức công đoàn hoạt động giám sát, kiểm tra việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của NLĐ. Do đó, vấn đề đặt ra cho tổ chức Công đoàn Việt Nam là cần sớm có giải pháp để bảo vệ lực lượng lao động. Trong đó, cần tăng cường hoạt động hợp tác với các nước tiếp nhận lao động trong việc bảo vệ quyền bình đẳng với lao động bản địa và lao động của các quốc gia khác. Đặc biệt, phải cung cấp, thông tin cho NLĐ ở nước ngoài giúp cho việc tìm kiếm sự giúp đỡ khi cần thiết của NLĐ được thuận tiện. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp với Hiệp hội XKLĐ để theo dõi, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; chỉ đạo công đoàn cơ sở tham gia giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho NLĐ khi đi làm việc ở nước ngoài.
Theo báo Đại Đoàn Kết