Cảnh giác với các quảng cáo “xuất khẩu lao động”

Trên các trang web rao vặt hiện nay có rất nhiều thông tin tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài với những lời “có cánh.” Nếu không tỉnh táo trong quá trình tìm hiểu, người lao động sẽ thiệt thân. 

Cơ quan điều tra khám xét một Trung tâm lừa đảo xuất khẩu lao động tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN). 
Cơ quan điều tra khám xét một Trung tâm lừa đảo xuất khẩu lao động tại Hà Nội. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Những lời mời chào hấp dẫn

Hết thời hạn nghĩa vụ quân sự, anh Lâm (quê ở thị xã Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) trở về nhà. Sau vài tháng chưa kiếm được việc, anh bắt đầu tìm hiểu thông tin đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan. Anh bảo: “Trên mạng đầy quảng cáo nhưng chẳng biết đâu mà lần. Mới đây, có một bà chị đang làm ở Đài Loan mách cho một công ty có vẻ uy tín. Tôi lên Hà Nội tìm hiểu xem sao.”

Thật vậy, chỉ cần gõ dòng chữ “tuyển người đi làm việc ở nước ngoài” trên máy tính, đủ loại thông tin tuyển người đi làm việc ở nước ngoài sẽ hiện ra. Bên cạnh những công ty minh bạch thông tin với giấy phép xuất khẩu lao động do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cấp, không thiếu những mẩu quảng cáo mập mờ với lời chào mời rất hấp dẫn về chi phí thấp và thu nhập cao.

Trang web timviecnhanh.com, Công ty trách nhiệm hữu hạn Sen Việt (địa chỉ Cầu Giấy, Hà Nội) đăng thông tin tuyển dụng trực tiếp 10 lao động đi xuất khẩu tại Hàn Quốc với điều kiện đơn giản là cần lao động phổ thông và mức lương cơ bản 950 USD/tháng. Lao động được hỗ trợ 100% chi phí ăn ở; được xuất ngoại trong vòng một tháng đối với người đã có chứng chỉ tiếng Hàn KLPT và ba tháng đối với người chưa có chứng chỉ.

Trên trang vatgia.com, một người tên Quốc Anh đăng tin tuyển lao động đi Australia, Mỹ, Hàn Quốc làm trang trại. Yêu cầu rất đơn giản, gồm hộ chiếu (gốc), chứng minh thư, hộ khẩu (công chứng), sơ yếu lý lịch, 6 ảnh 4×6, giấy tờ chứng minh tài chính (sổ đỏ nhà đất), giấy khám sức khỏe. Người lao động nộp hồ sơ đặt cọc 1.000 USD, có visa thanh toán 50%, số còn lại trừ dần vào lương.

Cũng trên trang này, một người phụ nữ tên Cầm đăng tin tuyển lao động đi làm việc ở Malaysia với tổng chi phí xuất cảnh là 1.200 USD (cho vay để trừ vào lương năm đầu tiên). Người này hứa hẹn trước khi nộp hồ sơ, chỉ nộp 200 USD để đặt cọc, sau khi xuất cảnh được một tuần sẽ được hoàn lại số tiền đặt cọc.

Hơn 90% nạn nhân bị lừa là lao động nông thôn

Nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng cao. Những người như anh Lâm (không biết cách tìm đến đúng nơi để nắm thông tin, chỉ nghe theo lời của người quen) không ít. Bằng cách này, nếu may mắn thì công việc thuận lợi. Song đã có rất nhiều trường hợp người lao động bị lừa.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), có tới hơn 90% số nạn nhân bị lừa đảo xuất khẩu lao động là người nông thôn. Ông Đào Công Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, tình trạng lừa đảo xảy ra nhiều ở những thị trường hấp dẫn như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Australia, Canada…

Lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho rằng người dân không thể tin vào những nội dung quảng cáo mà cần tỉnh táo, tìm nơi tin cậy để có thông tin chính xác.

Khi có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, người lao động nên liên hệ trực tiếp với Cục Quản lý lao động ngoài nước và sở Lao động-Thương binh và Xã hội địa phương, thông qua Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động địa phương và các công ty có chức năng xuất khẩu lao động. Tuyệt đối không qua môi giới, cò mồi.

Riêng đối với người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc, ông Hải lưu ý hiện nay, Trung tâm Lao động ngoài nước (OWC) là cơ quan duy nhất được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Lao động Hàn Quốc ủy quyền thực hiện việc tuyển chọn và đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại thị trường này.

Điều kiện đầu tiên để được làm hồ sơ dự tuyển là người lao động phải đăng ký kiểm tra tiếng Hàn tại cơ quan, tổ chức được OWC ủy quyền (gồm các bộ, ngành, sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố được giao làm đầu mối thực hiện Chương trình EPS – chương trình cấp phép việc làm cho người lao động nước ngoài tại Hàn Quốc).

Chứng chỉ kiểm tra tiếng Hàn tại những nơi khác sẽ không có giá trị. Sau khi có chứng chỉ và nộp hồ sơ đầy đủ, người lao động chỉ phải nộp tiền khi có thông báo bằng văn bản của OWC về việc người lao động đã được chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng.

Trước nhiều ý kiến phản ánh, khi doanh nghiệp tuyển dụng yêu cầu nộp phí, người lao động không biết phải liên hệ ở đâu để hỏi cho rõ thực hư mức phí phải đóng, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo, người lao động cần liên hệ trực tiếp với sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố nơi cư trú hoặc gọi tới đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước (số điện thoại: 04.37346246, số máy lẻ 305 hoặc 306) hoặc Trung tâm OWC (số điện thoại: 04.37346093) để được tư vấn chính xác./.

Theo TTXVN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *