Hành trình tội ác của thôn nữ lụy tình

Cập nhật 17/10/2011 07:36 (GMT+7)
Nguyễn Thị Giang có gương mặt hiền lành, giọng nói “đặc sệt” âm sắc địa phương, vậy mà nữ phạm nhân này từng bôn ba xứ người và gây tội ác kinh hoàng…

Lỡ dở duyên đầu
Phạm nhân Nguyễn Thị Giang (SN 1988, quê xã Tân Quang, huyện Văn Lâm, Hưng Yên) sinh ra trong gia đình nông dân nghèo có ba chị em nhưng chị cả bị tàn tật bẩm sinh. Giang là con út, lại thông minh, sắc sảo nhất nhà nên được cha mẹ cưng chiều, nuôi cho học hết cấp 3.

Cha mẹ Giang hy vọng cô út cưng sẽ gắng học để có công ăn việc làm ổn định để sau này “ấm vào thân” và đỡ đần cha mẹ, chị gái tật nguyền được giúp một phần. Nhưng thói ham chơi và cám dỗ ái tình đã khiến Giang phụ lòng cha mẹ. Vừa tốt nghiệp trung học phổ thông được vài tháng, Giang đã lên xe hoa về nhà chồng với chàng trai học cùng trường là Đào Ngọc Dần (SN 1986, ở xã Nghĩa Trụ, Văn Lâm, Hưng Yên), cũng là bị cáo trong vụ án.
Vợ chồng Dân Giang tại tòa.
Vợ chồng Dân – Giang tại tòa.
Hương lửa mặn nồng chẳng được bao lâu thì cặp vợ chồng “tuổi teen” Dần- Giang đã nhanh chóng phát sinh mâu thuẫn. Giang bỏ về nhà bố mẹ đẻ, bắt đầu cuộc sống ly thân. Để thoát khỏi cuộc tình bế tắc, Giang làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan với khoản phí 120 triệu đồng.
 
Bố mẹ Giang đã phải chạy vạy vay mượn mới đủ số tiền trên, với niềm hy vọng sau vài năm bươn chải xứ người khi về Giang sẽ có chút vốn liếng làm ăn. Nhưng không may cho Giang, cô đã gặp phải Công ty “ma” chuyên lừa đảo xuất khẩu lao động. Sang Đài Loan chưa đầy hai tháng, Giang đã bị trục xuất về nước. Để có tiền trang trải khoản nợ khổng lồ mỗi ngày lãi mẹ đẻ lãi con, Giang ra Hà Nội học nghề cắt tóc gội đầu.

Vốn thông minh, nhanh nhẹn, Giang nhanh chóng có nghề trong tay và mở một tiệm cắt tóc nhỏ tại khu vực gần cầu Thăng Long. Tại đây, vào cuối năm 2008, tình cờ có một người đàn ông quốc tịch Trung Quốc đến quán của Giang gội đầu. Do trước đây từng được học tiếng Trung giao tiếp để đi xuất khẩu lao động nên Giang trò chuyện được với ông khách ngoại quốc.

 
Ban đầu Giang cũng chỉ “hảo lớ, hảo à” cho vui, nhưng người này lại tỏ ra cảm mến đặc biệt với cô. Giang tình nguyện làm hướng dẫn viên du lịch cùng anh ta chu du thăm thú nhiều thắng cảnh. Sau khi người đàn ông kia về nước, Giang và anh ta vẫn giữ liên lạc với nhau điện thoại, qua email. Tình cảm của hai người nảy nở nên vào cuối tháng 8/2009, cô nhận lời sang Trung Quốc chơi với bạn tình.

Tội ác từ lòng tham

Theo Giang kể, tuy vợ chồng sống ly thân, Giang ở Hà Nội, Dần ở Văn Lâm nhưng thỉnh thoảng hai người vẫn gặp gỡ nhau và vẫn quan hệ vợ chồng bình thường. Ngoài những lúc đó, cả hai được tự do với bạn tình của mình. Dần có một cô bồ quê Thanh Hóa, Giang cũng có một vài tình nhân, người bạn Trung Quốc kể trên là một. 

Sau một tháng chu du cùng tình nhân bên Trung Quốc, Giang về nước bằng đường tàu hỏa. Trên đường về, Giang làm quen với một cô gái Trung Quốc là Fu Hua (SN 1982, quê Quảng Đông, Trung Quốc) sang du lịch Việt Nam. Fu Hua cho biết cô đang trên đường đi du lịch ở các nước Đông Nam Á với hai bạn đồng hành tên là Li Nin và Chen Ying Shan, nhưng hai người kia đi bằng đường ô tô nên đến sau, họ hẹn gặp nhau ở Hà Nội. 5h ngày 30/9/2009, chuyến tàu đỗ ở ga Hà Nội, vì Fu Hua không biết đường nên Giang tình nguyện làm “hướng dẫn viên” du lịch cho cô gái đi thăm các danh lam thắng cảnh tại Hà Nội.

Trên đường cùng Fu Hua về Hà Nội, tình cờ Giang nhận được điện thoại của Dần gọi điện giục về quê chơi. Nghe Giang bảo cô đang ở Hà Nội làm hướng dẫn viên du lịch cho nhóm bạn Trung Quốc, Dần bảo Giang cứ rủ luôn bọn họ về nhà chơi cũng được. Dần bàn với Giang kế hoạch sẽ “đổi đời” bằng cách cướp tài sản của mấy người khách du lịch và cô thôn nữ đã dại dột, mê muội nghe theo lời chồng.

Cuối giờ chiều 30/9/2009, Giang và Fu Hua đi đón Li Lin và Chen Ying Shan rồi ra đường 5, bắt xe buýt về thị trấn Như Quỳnh (Văn Lâm, Hưng Yên), Dần đón cả bọn đưa đi thuê hai phòng tại nhà nghỉ Như Quỳnh 2 để ngày hôm sau sẽ đi du lịch Hạ Long (Quảng Ninh). Sau đó, Dần chở cả nhóm đi ăn tối. Trong khi ăn, Fu Hua nhờ Dần mua giúp một chiếc sim điện thoại và được Dần nhiệt tình giúp đỡ.

 
Để điều “con mồi” đến nơi thuận lợi cho dễ dàng thực hiện hành vi cướp tài sản, Dần đã bịa ra rằng “mua sim điện thoại phải về nhà lấy chứng minh nhân dân”. Giang đã hiểu ngay ra ý đồ thâm độc của chồng nên cô ta chủ động bảo Dần chở Li Nin và Chen Ying Shan về nhà nghỉ trước, sau đó quay lại đón mình và Fu Hua.

Tách được hai người bạn ra khỏi Fu Hua, Dần lái xe máy chở Fu Hua ngồi giữa, Giang ngồi sau cùng “đi mua sim điện thoại”. Cặp vợ chồng chở Fu Hua ra khu vực cánh đồng vắng thuộc thôn Đồng Mịch (xã Nghĩa Trụ, Văn Lâm) và ra tay sát hại cô gái trẻ, cướp tài sản. Dần ở lại giấu xác nạn nhân phi tang, còn Giang quay về nhà nghỉ lấy đồ để cùng Dần đào tẩu. Không thấy Fu Hua về, Li Nin và Chen Ying Shan hỏi thì Giang bảo Fu Hua đang tắm ở nhà Giang, sẽ về sau. Hai người bạn điện thoại cho Fu Hua nhưng không được nên càng nghi ngờ. Khi Giang bảo đem quần áo đi cho Fu Hua hòng trốn thoát nhưng bị Li Nin và Chen Ying Shan kiên quyết giữ Giang lại.

Còn Dần, sau khi cởi hết quần áo của nạn nhân, kéo xuống mương nước gần đó và phi tang một số tang vật, chờ không thấy Giang quay lại thì đã bỏ vào ở với bạn gái ở huyện Hà Trung, Thanh Hóa. Sáng hôm sau, Giang cùng hai cô gái Trung Quốc đi Hạ Long theo lịch trình, đến trạm soát vé thuộc địa phận Phố Nối (Mỹ Hào, Hưng Yên), Giang lấy cớ xuống đổi tiền để trốn nhưng đã bị hai cô bạn báo cho nhân viên trạm soát vé giữ lại, sau đó báo cho công an huyện Mỹ Hào bắt. Ngày 3/10, Dần cũng bị bắt khẩn cấp tại nhà cô bồ hắn ở Hà Trung, Thanh Hóa. Chỉ ba ngày sau khi gây án, tội ác của vợ chồng Dần – Giang đã bị vạch trần.

 Ám ảnh tội lỗi đến suốt đời

Thời gian bị tạm giam tại công an tỉnh Hải Dương, ám ảnh tội lỗi và nỗi sợ hãi sự trừng trị của pháp luật và dư luận khiến Giang đã hai lần tự tử nhưng không thành. Đào Ngọc Dần bị kết án tử hình về hai tội “Giết người”, “Cướp tài sản” và Dần đã trả án. Còn Nguyễn Thị Giang may mắn thoát chết nhưng phải nhận án 25 năm tù và chuyển về cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến (Chí Linh, Hải Dương).

Tại đây, Giang được bố trí lao động tại tổ may công nghiệp, thuộc đội 15 K1. Nhờ cán bộ quản giáo và chị em phạm nhân động viên, giúp đỡ nay Giang đã quen với môi trường sống mới và ổn định tư tưởng, yên tâm cải tạo. Nữ phạm nhân này tâm sự, cô sẽ nỗ lực cải tốt để mong sớm có ngày trở về phụng dưỡng cha mẹ già và người chị gái tàn tật của mình. 

Nguyễn Lê(phapluatvn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *