Lao động phổ thông “mất giá”

Ngày càng nhiều doanh nghiệp gia tăng tuyển dụng lao động có tay nghề là một cảnh báo đối với lực lượng lao động phổ thông vốn được ưu tiên tuyển dụng trong thời gian qua.

Để chuẩn bị nhân lực cho 10 dây chuyền may mới sắp đưa vào sản xuất trong dịp cuối năm, Công ty CP Dệt may Thành Công có nhu cầu tuyển 500 lao động. Thay cho việc tuyển lao động phổ thông vào làm việc như trước đây, lần này công ty lại đưa ra yêu cầu tuyển dụng gắt gao hơn.

Ưu tiên lao động có nghề

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính Nhân sự Công ty CP Dệt may Thành Công, cho biết: “Đối với lao động ngành may trong đợt tuyển dụng này chúng tôi ưu tiên tuyển những người đã biết may và sử dụng thành thạo máy may công nghiệp. Khi tuyển vào họ có thể làm việc ngay mà không cần phải đào tạo lại từ đầu. Chủ trương của công ty là hạn chế thấp nhất những chi phí bất hợp lý”.

Lao động có tay nghề sẽ được nhiều doanh nghiệp lựa chọn

Xu hướng tuyển dụng lao động có tay nghề đang được nhiều doanh nghiệp thực hiện. Tại phiên giao dịch việc làm lần thứ 40 do Trung tâm Giới thiệu Việc làm tỉnh Đồng Nai tổ chức ngày 10-9 vừa qua, trong tổng số 1.329 lao động được tuyển dụng thì nhu cầu tuyển công nhân kỹ thuật có tay nghề chiếm 33,33% (tăng 20% so với tháng trước).

Lý giải cho việc tuyển chọn nguồn nhân lực có tay nghề thay vì tuyển lao động phổ thông rồi đào tạo như trước, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất hàng điện tử đóng tại Bình Dương cho rằng: Do kinh tế khó khăn, áp lực cạnh tranh ngày càng cao nên công ty không thể bỏ ra nhiều chi phí để tuyển dụng đào tạo lao động phổ thông. Trong khi hiện nay, nhiều lao động có tay nghề bị cắt giảm, mất việc làm khiến nguồn cung rất dồi dào.

 Theo ông Trần Anh Tuấn, những tháng cuối năm, lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao và lao động lành nghề vẫn được tuyển dụng nhiều và chiếm khoảng 55% trong tổng nhu cầu. Những ngành nghề có nhu cầu cao là dịch vụ, phục vụ, bán hàng, kế toán, kiểm toán, thiết kế, cơ khí, điện tử- viễn thông, dệt may, giày da…

Ứng viên sẽ cạnh tranh hơn

Ghi nhận từ Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tháng 7-2011, nhu cầu tuyển dụng lao động giảm hầu hết ở các ngành nghề. Những ngành nghề cần nhiều lao động phổ thông như dệt may, giày da, dịch vụ, phục vụ, điện, điện tử, cơ khí, xây dựng, kiến trúc, công nghệ ô tô… giảm khoảng 60% so với những tháng trước. Trong tháng 8-2011, nhu cầu tuyển dụng cũng giảm trên 20% chỗ làm và tập trung vào những ngành vốn thu hút nhiều lao động trước đây như dệt may, giày da, xây dựng, thiết kế nội thất…

Ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, nhận định: Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, đang loay hoay mất phương hướng do lãi suất cao, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng… Đó là lý do khiến nhiều doanh nghiệp thận trọng hơn khi chọn nhân lực trong thời điểm này.

Số liệu ghi nhận từ Vietnamworks cho thấy chỉ số nhân lực trực tuyến tháng 7 cũng tăng 20%. Điều này có nghĩa, ưu thế của thị trường lao động vẫn tiếp tục nghiêng về phía nhà tuyển dụng. Ông Chris Harvey, Giám đốc điều hành Vietnamworks, nhấn mạnh: “Trong xu hướng này, nhà tuyển dụng có nhiều lợi thế nhờ lượng ứng viên ứng tuyển cho mỗi vị trí tuyển dụng tăng lên.

Ngược lại, người tìm việc phải cạnh tranh nhiều hơn để có được công việc mong muốn”. Ông Chris Harvey cũng dự báo: Trong vài tháng tới, thị trường sẽ tiếp tục có lợi cho nhà tuyển dụng bởi nguồn cung cho thị trường dồi dào thêm khi lực lượng sinh viên mới ra trường tham gia vào thị trường lao động. Như thế, người lao động không có trình độ, tay nghề sẽ mất dần cơ hội nghề nghiệp.

Nguồn: Xuat khau lao dong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *